Tháo chạy
Sự "dễ ăn" của thị trường bất động sản (BĐS) trước năm 2010 khiến rất
nhiều DN niêm yết đua nhau bỏ vốn vào lĩnh vực này, để không muốn mình
là kẻ chậm chân trong cuộc săn tìm lợi nhuận từ thị trường vốn một thời
mang lại siêu lợi nhuận cho hầu hết những ai tham gia đầu tư. Sức hút
của thị trường BĐS lớn đến mức, nhiều DN niêm yết lớn như CTCP Tập đoàn
DABACO Việt Nam (DBC), CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS)… vốn được coi là khá
bảo thủ trong mở rộng ngành nghề kinh doanh không liên quan, cũng bị
cuốn vào vòng xoáy đầu tư BĐS. Hệ quả là cùng với bối cảnh kinh tế vĩ mô
bất lợi, đã khiến các DN phải trả giá cho quyết định đi chệnh quỹ đạo
kinh doanh lõi.
Rời bất động sản sẽ khiến DBC nhẹ gánh hơn? |
Ngoài yếu tố thị trường đường gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay,
việc "với tay" sang triển khai một loạt dự án BĐS, theo giới đầu tư, đã
tác động không tích cực đến hoạt động kinh doanh chính của LSS. Lợi
nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm nay của LSS chỉ đạt hơn 23,2 tỷ
đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức 63,18 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây
là một trong những lý do khiến thị giá cổ phiếu LSS giảm gần 50% vào
thời điểm giữa tháng 8/2013 so với cùng kỳ năm ngoái. Từ vị thế một cổ
phiếu luôn vững giá ở mức trên 26.000 - 28.000 đồng/CP vào đầu năm
ngoái, hiện giá LSS có nguy cơ rớt dưới mệnh giá.
Đến giữa năm nay, LSS đang đầu tư dang dở vào hàng loạt dự án BĐS như:
Khách sạn Lam Sơn; Khu du lịch sinh thái Linh Sơn; khu nhà làm việc, nhà
ở, trường mầm non… với tổng chi phí hơn 325 tỷ đồng.
Để không tiếp tục bị lún sâu vào lĩnh vực BĐS, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch
HĐQT LSS cho hay, bắt đầu từ năm 2013, LSS thực hiện tái cơ cấu Công ty
theo hướng dần chấm dứt đầu tư vào các dự án BĐS, các lĩnh vực ngoài
ngành nghề chính, để tập trung nguồn lực vốn, nhân sự và công nghệ cho
phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi là mía đường, cồn. Ngoài việc
tích cực tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng các dự án BĐS, LSS cũng đang
tranh thủ cơ hội thoái các khoản vốn góp vào các DN du lịch, thương mại,
bảo hiểm, đầu tư tài chính…, nhằm tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh
doanh chính.
Một trường hợp điển hình khác cũng tham gia chạy đua vào BĐS, nay đang
tìm cách thoái lui khỏi lĩnh vực này là DBC. Đến giữa năm nay, DBC ghi
nhận khoản chi phí đầu tư dang dở vào các dự án BĐS gần 514 tỷ đồng.
Cách đây 3 năm, cùng với việc lập công ty con là Công ty TNHH Bất động
sản DABACO, DBC còn phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi với số
vốn huy động thành công hơn 556 tỷ đồng, để triển khai các dự án BĐS.
Cuối năm ngoái, DBC mới giải ngân được trên 150 tỷ đồng, số vốn còn lại
dự kiến chờ thị trường BĐS ấm lại sẽ triển khai tiếp các dự án. Tuy
nhiên, vì không nhìn thấy tín hiệu khởi sắc từ thị trường BĐS trong ngắn
hạn, sau khi được ĐHCĐ năm nay thông qua, đến nay, DBC đã chuyển mục
đích sử dụng hơn 400 tỷ đồng còn lại từ đợt phát hành năm 2010 để đầu tư
vào BĐS sang phục vụ lĩnh vực kinh doanh lõi. Cụ thể, DBC đã sử dụng
toàn bộ số vốn này cho thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà
máy chế biến thức ăn chăn nuôi…
Lợi nhuận khả quan?
Theo những thông tin từ các DN đã phần nào rút chân thành công khỏi lĩnh
vực BĐS, hiện hãy còn sớm để cho thấy quyết định này đã tác động ngay
đến kết quả kinh doanh của họ trong những tháng cuối năm nay. Tuy nhiên,
về dài hạn, tất toán thành công các dự án BĐS, theo các DN, đang giúp
họ có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn hiện tại, dần lấy lại đà phát
triển bền vững hơn.
Theo ông Tam, việc tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi sẽ giúp LSS
dần lấy lại phong độ phát triển ổn định vốn có thông qua tập trung cho
phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Nếu khó khăn lớn nhất của LSS
hiện tại là giá đường trong nước và thế giới phục hồi trong những tháng
cuối năm, đồng thời sức ép từ các hoạt động đầu tư ngoài lĩnh vực chính
dần được giải tỏa, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ tốt hơn so với
6 tháng đầu năm nay.
Chủ tịch HĐQT một DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội cho biết, thật may khi
hàng loạt dự án BĐS mà công ty đang lên kế hoạch triển khai rơi vào
thời điểm thị trường BĐS bắt đầu khó khăn, nên công ty kịp chuyển hướng,
giảm thiểu rủi ro mất vốn. Nhờ chuyển nhượng thành công một số dự án
năm ngoái, nên 6 tháng đầu năm nay, công ty có lãi, dự kiến mức lãi sẽ
tốt dần lên từ quý III/2013.
Theo Đầu tư chứng khoán