Quý II/2016: Dư nợ tín dụng bất động sản tăng 5,76%

  27/07/2016 - 11:17

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tính đến quý 2-2016 đạt gần 416.000 tỷ đồng, tăng 5,76% so với đầu năm 2016. Riêng Tp.HCM, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 6,82% so với cuối năm 2015, đạt 1,32 triệu tỷ đồng; trong đó tín dụng BĐS chiếm gần 13% trong tổng dư nợ.

Trong bối cảnh nợ xấu có thể tăng bất cứ lúc nào nên NHNN vẫn chủ trương kiểm soát cho vay BĐS nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, sau khi NHNN ban hành Thông tư 06/2016 sửa đổi Thông tư 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo hướng không “siết” tín dụng BĐS ngay mà thực hiện theo lộ trình, đã tạo cơ hội cho các ngân hàng rộng cửa cho vay trong lĩnh vực này. Về vấn đề này, thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, cho vay BĐS, chứng khoán và tiêu dùng ở Tp.HCM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng cao hơn mức tăng chung cả nước, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ trương kiểm soát cho vay BĐS nhằm hạn chế nợ xấu

Lý giải việc đẩy mạnh cho vay mua nhà, nhiều ngân hàng cho hay, thị trường BĐS tiếp tục phục hồi, đặc biệt là nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn nên các ngân hàng đẩy mạnh việc “rót” vốn cho phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự. Cùng với đó, nhiều ngân hàng đưa ra chiến lược phát triển tín dụng trong năm 2016 hướng đến cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà để ở vì mảng tín dụng này có biên lợi nhuận cao.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, chính sách tín dụng đang được NHNN nới lỏng khi cơ quan này đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 lên mức 18-20% so với 15-17% trong năm 2015. Nửa năm đầu, tăng trưởng tín dụng mới tăng trên 8%, dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều nên đây là cơ hội tốt cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế nhưng trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả mà còn có thể gây áp lực lên lạm phát. Bởi lẽ, nếu kinh tế chưa ổn, dòng tiền sẽ không đổ vào sản xuất - kinh doanh và lại chảy vào các thị trường như BĐS, chứng khoán, ngoại tệ… sẽ gây áp lực lên lạm phát, tiềm ẩn bất ổn.

Theo NHNN, tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 8,16%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,86% của cùng kỳ năm 2015 nhưng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đạt 18% - 20% của cả năm. Tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh. Tín dụng BĐS và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng BĐS vào dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Hiện lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà chỉ trong khoảng 8 - 10%/năm và mức lãi suất này tương đối hợp lý để vay mua nhà. Đại diện Vietinbank cũng cho biết, ngân hàng đã trải qua thời kỳ bong bóng BĐS vài năm trước nên việc kiểm soát rủi ro sẽ chặt hơn. Theo đó, ngân hàng sẽ xem xét các nhu cầu vay mua BĐS để ở hay đầu tư để có phương án lãi suất hợp lý và chỉ cho vay những dự án có chọn lọc.

Nhận định về tín dụng “đổ” vào BĐS, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng mặt bằng lãi suất thời gian qua tương đối ổn định đã góp phần tăng trưởng tín dụng BĐS. Với bài học từ bong bóng BĐS trong giai đoạn trước, hiện các ngân hàng đang hướng đến đối tượng cá nhân vay mua nhà để ở thay vì đổ vốn ồ ạt vào BĐS để tránh tiếp tục lặp lại nợ xấu cao.

(Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu