Trong bối cảnh tín dụng bất động sản (BĐS) đang bị siết chặt và áp lực nợ xấu BĐS đang gia tăng, để giảm thiểu rủi ro, các ngân hàng đang hạn chế cho vay trung và dài hạn.
Giới chuyên gia địa ốc nhận định, do có nhiều khó khăn, thị trường BĐS năm 2017 dự báo sẽ chững lại so với năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2020, để giải quyết sự lệch pha cung - cầu, thị trường sẽ có sự điều chỉnh lớn. Hiện tại, đang có xu thế lệch về phía phân khúc BĐS cao cấp.
Ngày 19/4 vừa qua, tại hội thảo “Xu hướng chọn mua BĐS năm 2017” do Báo Người tiêu dùng tổ chức, chuyên gia tài chính kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho hay, thị trường địa ốc gặp khó khăn là do giai đoạn 2014 -2016, thị trường đã tăng quá mạnh so với nền kinh tế. Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam thể hiện rõ điều này. Cụ thể, tín dụng BĐS năm 2016 đã tăng gấp 3 lần GDP.
Có thể nói, phần lớn thị trường BĐS tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh đều dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng. Vì thế, nợ xấu ngân hàng trong năm qua cũng khó giảm. Hiện có 16 doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn nợ gần 161 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết và sắp niêm yết, thực tế con số nợ ngân hàng còn cao hơn.
Do đó, nhiều nhà đầu cơ, chủ đầu tư dự án đang cố bán để thoát nợ và trả nợ ngân hàng. Hiện có gần 60% người mua nhà là đầu cơ với tỷ lệ vay từ 70% -90% giá trị BĐS, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường CBRE vừa công bố.
Thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại do siết tín dụng.
(Ảnh minh họa: BUCG)
Trong năm 2017, nhiều khả năng các công ty BĐS sẽ đẩy mạnh bán hàng với sự cạnh tranh về giá để trả nợ. Theo dự kiến, trong năm nay đến năm 2018, sẽ có khoảng 40.000 căn hộ được chào bán.
Song, theo dẫn chứng của TS. Đinh Thế Hiển, nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM đang giảm và có dấu hiệu chững lại so với năm 2016. Khoảng 7.100 căn được chào bán trong quý I/2017, nhưng so với quý trước đó chỉ chiếm khoảng 42%, đa phần là phân khúc trung cấp và bình dân, chủ yếu tập trung ở khu Tây và Nam.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng qua, lượng tiêu thụ căn hộ tại Tp.HCM cũng có dấu hiệu giảm, so với quý IV/2016 chỉ bằng 43%.
Tại phân khúc nhà phố - biệt thự - khu nghỉ dưỡng, do lệch pha cung - cầu nên chỉ có 7 dự án mới được thực hiện (5 dự án nhà phố - biệt thự và 2 dự án biệt thự nghỉ dưỡng) trong quý đầu năm. Năm ngoái, phân khúc nhà phố - biệt thự có đến 23 dự án và khu biệt thự nghỉ dưỡng là 19 dự án. Như vậy, nguồn cung và tiêu thụ trong năm 2017 đang giảm mạnh.
Bàn về vấn đề này, theo TS. Đinh Thế Hiển, lý do dẫn đến thực trạng trên là do tín dụng BĐS đang bị siết chặt cộng với áp lực nợ xấu BĐS đang gia tăng nên các ngân hàng đang hạn chế cho vay trung và dài hạn để giảm thiểu rủi ro.
Thế nhưng, nhìn vào cơ hội đầu tư trong các kênh đầu tư hiện nay như gửi tiết kiệm, chứng khoán, vàng, các chuyên gia cho rằng kênh BĐS vẫn được ưu tiên lựa chọn hơn do tiền gửi ngân hàng thiếu hấp dẫn về tích sản; tỷ giá khó tăng hơn 5%; vàng đang trong xu thế giảm giá; chứng khoán còn nhiều rủi ro, khó hấp dẫn người mới.
Vì thế, thị trường BĐS năm 2017 vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa mạnh. Thay vì thị trường đi theo xu thế rõ rệt, cơ hội sẽ đến theo từng dự án cụ thể dựa trên vị trí, chủ đầu tư và sản phẩm thích hợp.
Các căn hộ trung và cao cấp có vị trí đẹp vẫn là sự lựa chọn hợp lý với những người có năng lực tài chính. Tuy căn hộ giá rẻ có nhu cầu lớn nhưng nếu vị trí và hạ tầng quá kém sẽ rất khó sinh lợi cho nhà đầu tư. Trong khi đó, phân khúc đất nền có thể bị chững lại do nhà đầu tư thấy khả năng khai thác khó. Loại hình nhà phố khu trung tâm sẽ tiếp tục ổn định giá trị do dịch vụ tốt và không bị nạn kẹt xe.
Chuyên gia tư vấn BĐS chuyên nghiệp, Tổng giám đốc công ty tư vấn đầu tư BĐS Việt An Hòa, Ông Trần Khánh Quang đánh giá, năm 2017 là năm thị trường địa ốc chuyển mình theo chất hơn lượng. Sản phẩm tung ra chào bán sẽ ít hơn, căn hộ giá thấp dưới 1,5 tỷ đồng vẫn là sự lựa chọn, nhà phố 2 tỷ đồng vẫn hút khách và đất nền khu Tây và khu Nam đầu tư sẽ có lợi nhuận vượt trội hơn.