Người mua sẽ bị mất trắng khi mua những ngôi nhà không có giấy chứng nhận được giới đầu nậu, đối tượng lừa đảo nhờ văn phòng thừa phát lại lập vi bằng khi chuyển nhượng.
Chủ tịch UBND quận 12 (TP.HCM), ông Lê Trương Hải Hiếu cho hay, chính quyền quận vừa phát đi thông báo để người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo chuyển nhượng, mua bán nhà đất qua vi bằng trên địa bàn quận.
Tuyệt đối tránh mua bán nhà đất qua vi bằng
Theo thông báo của quận 12, không ít trường hợp chuyển nhượng, mua bán nhà đất bằng giấy tay qua hình thức lập vi bằng tại các văn phòng thừa phát lại đã xuất hiện trên địa bàn quận. Trong khi đó, hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (gồm cả nhà ở thương mại, nhà ở...) theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai hiện hành phải được chứng thực, công chứng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng lừa đảo đã thu gom đất xây nhà rồi rao bán bằng vi bằng được lập bởi thừa phát lại hòng kiếm lợi.
Để lấy lòng tin của khách mua, đầu nậu đất đai và các đối tượng lừa đảo đã nhờ văn phòng thừa phát lại lập vi bằng cho những ngôi nhà không có giấy chứng nhận, được mua bán bằng giấy tay. Nhiều ngôi nhà cùng chung một giấy chứng nhận cũng được bán qua hình thức lập vi bằng, đồng sở hữu. Mua nhà đất qua vi bằng, không ít nạn nhân vướng vào nhà đất xây dựng sai phép, cầm cố ngân hàng, nhà đất có tranh chấp... Theo đó, cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
Trước thực trạng nêu trên, UBND quận 12 đã ra thông báo cảnh báo người dân tuyệt đối tránh thực hiện chuyển nhượng, mua bán nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thực lập vi bằng để tránh bị lừa đảo, mất trắng.
Tìm hiểu của phóng viên cho biết, các đối tượng lừa đảo "chiêu dụ" khách mua đang cần chỗ ở hoặc đầu tư bằng những thửa đất phân lô lụi hay các căn nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch. Đối với họ, đây là những miếng mồi béo bở. Người mua nếu không tìm hiểu kỹ sẽ cả tin nghe theo đầu nậu, giới cò mồi rằng, mua nhà đất giấy tay vẫn có thể xây dựng vì mọi thứ đã có vi bằng được lập bởi thừa phát lại. Không ít người tin rằng, vi bằng là bằng chứng pháp lý chắc chắn, là "bảo bối" cho việc giao dịch, tuy nhiên sau đó phải ngậm trái đắng.
|
UBND quận 12 (TP.HCM) thông báo người dân cảnh giác với việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất qua vi bằng. (Ảnh: Kim Phụng) |
Không có cái gọi là "công chứng vi bằng" khi mua bán nhà đất
UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) trước đó cũng đã từng cảnh báo người dân mua nhà đất cần tìm hiểu kỹ càng thông tin về vị trí, quy hoạch, tính pháp lý của nhà đất mình dự kiến giao dịch. Để đảm bảo an toàn cho giao dịch nhà đất, trước khi xuống tiền, khách mua cần tìm hiểu thông tin chính xác.
Tại xã Đông Thạnh (Hóc Môn), cò đất còn giả làm người mua đất nông nghiệp diện tích lớn, mượn giấy tờ của các cá nhân, hộ gia đình rồi tự ý phân lô vẽ nền, rao bán bằng tờ rơi hoặc trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... với giá từ 12-20 triệu đồng mỗi m2. Thậm chí, giới cò mồi còn quảng cáo rằng, khách mua chỉ cần đặt cọc khoảng 50-400 triệu đồng sẽ có giấy chứng nhận để xây nhà trong vòng 1 năm.
Để lấy lòng tin của khách hàng, cò đất cho biết việc mua bán này đã được "công chứng vi bằng" và có dấu đỏ hẳn hoi. Theo kết quả kiểm tra thực địa của UBND xã, những khu đất mà cò rao bán đều là đất nông nghiệp và không hề có dự án đất ở nào. Trước thực trạng đó, chính quyền xã đã kịp thời báo cáo lên cấp trên, ra thông báo, biển bảo đặt ngay tại khu đất để cảnh báo tới người dân.
Đồng thời, công an xã Đông Thạnh cũng từng chuyển hồ sơ đề nghị công an huyện xử lý các đối tượng phân nền đất nông nghiệp cũng như những môi giới bán đất nông nghiệp qua vi bằng thừa phát lại sai quy định. Hiện tại, công an huyện đã chuyển hồ sơ lên Công an TP.HCM xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Lý do nên tránh mua bán nhà đất qua vi bằng
Trên thực tế có tình trạng thừa phát lại chưa giải thích rõ ràng giá trị pháp lý của vi bằng. Do đó, một số đối tượng đã lợi dụng để lừa gạt người dân về giá trị của vi bằng. Thừa phát lại vì thế cần giải thích rõ giá trị của vi bằng trước khi lập vi bằng. Đây là yêu cầu mang tính bắt buộc.
Vi bằng là văn bản được lập bởi thừa phát lại, dùng để ghi nhận hành vi, sự kiện sử dụng làm chứng cứ trong xét xử cũng như các mối quan hệ pháp lý khác. Thừa phát lại lập vi bằng nhằm mục đích tạo lập chứng cứ, phòng ngừa tranh chấp, mang lại lợi ích cho người dân, góp phần giảm tải hoạt động của tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Vậy nên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân cần hiểu đúng giá trị của vi bằng.
Người dân nên tránh mua bán nhà đất qua vi bằng bởi 4 lý do sau đây:
Thứ nhất, vi bằng không phải là hợp đồng, giao dịch mà là văn bản có giá trị chứng cứ. Người dân chỉ có thể mua bán nhà đất qua công chứng, không được mua bán qua vi bằng. Các bên khi thực hiện hợp đồng công chứng có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng nhằm ghi nhận việc bàn giao tài sản, bàn giao tiền, xác nhận hiện trạng tài sản để làm chứng cứ. Vi bằng này không có giá trị như hợp đồng công chứng mua bán nhà đất.
Thứ hai, người dân nên tránh mua bán nhà đất chưa đủ điều kiện pháp lý để giao dịch theo quy định của pháp luật, mua bán bằng giấy tay. Trong trường hợp này, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ chứng minh các bên có thực hiện giao dịch, là cơ sở để tòa án xem xét, giải quyết công nhận hợp đồng, giao dịch cũng như giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Cơ quan có thẩm quyền không thể căn cứ vào vi bằng để cấp giấy chứng nhận cho người mua.
Thứ ba, người mua nên yêu cầu thừa phát lại giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng, cần hiểu rõ trước khi bàn giao tài sản, bàn giao tiền thực hiện giao dịch, hợp đồng. Khi đã được công chứng viên ký tên và đóng dấu phát hành thì hợp đồng công chứng có giá trị pháp lý. Trong khi đó, vi bằng chỉ ghi nhận lại hành vi, sự kiện diễn ra trước mặt thừa phát lại. Thế nên, trường hợp các bên đã bàn giao tài sản, giao tiền nhưng sau đó lại phát sinh tranh chấp, đổi ý... thì việc đòi lại tài sản, đòi lại tiền đã giao sẽ vô cùng phức tạp.
Thứ tư, người dân cần hiểu đúng về vi bằng của thừa phát lại. Vi bằng không phải là hình thức mua bán nhà đất. Vi bằng của thừa phát lại là chứng cứ trong tố tụng. Do vậy, nếu hiểu sai giá trị chứng cứ của vi bằng sẽ làm chệch hướng hoạt động quản lý đất đai và quản lý về thừa phát lại.
Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Thủ Đức, TP.HCM, Thừa phát lại Nguyễn Tiến Pháp.
Thừa phát lại tránh "lập lờ đánh lận con đen"
Bộ Tư pháp trước đây đã có công văn số 560 ban hành ngày 30/6/2017 về việc yêu cầu thừa phát lại thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ. Cụ thể, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền và lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền nhằm che giấu mục đích trái quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp TP.HCM đã có thông báo số 2634 nhắc lại nội dung liên quan vào ngày 10/5/2019. Để đảm bảo tính hợp pháp, chặt chẽ của vi bằng; hạn chế tới mức thấp nhất việc sửa lỗi kỹ thuật vi bằng, trưởng các văn phòng thừa phát lại cùng các thừa phát lại cần tổ chức rút kinh nghiệm cũng như rà soát kỹ lưỡng hình thức lẫn nội dung của vi bằng. Ngoài ra, đối với việc thực hiện tuyên truyền chế định thừa phát lại, thừa phát lại và trưởng các văn phòng thừa phát lại cần chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, quận.
|