Thực tế cho thấy, nhiều người Đức không muốn mua nhà. Trong các nước phát triển, hiện tỷ lệ sở hữu nhà của Đức thuộc hàng thấp nhất và gần như “đội sổ” ở châu Âu dù Thụy Sĩ có tỷ lệ sở hữu nhà ở thấp hơn, theo trang Quartz.
Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) đưa ra năm 2013 cho biết, khoảng 80% người dân ở Tây Ban Nha sống trong chính căn nhà họ sở hữu. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này là gần 27% do đợt bơm căng bong bóng bất động sản (BĐS) lớn. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nhà của Đức là 43%, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này là 5,2%. Thị trường BĐS thiên về thuê mướn của Đức thành hình một phần nhờ tình hình kinh doanh không mấy dễ chịu những năm cuối thập niên 1930 và 1940.
Chiến tranh
Tại thời điểm Đức đầu hàng vô điều kiện vào tháng 5/1945, khoảng 20% nhà ở Đức là đống đổ nát; 2,25 triệu ngôi nhà biến mất và 2 triệu ngôi nhà khác hư hại. Đồng thời, nền kinh tế Đức cũng rơi vào đống đổ nát. Nguồn tài chính nước này hầu như bằng 0, tiền tệ thì vô giá trị. Một số chương trình chính phủ là cách duy nhất để xây dựng nhà ở cho người dân Đức cần nơi sinh sống.
Mặt khác, tình hình chính trị thời hậu chiến Đức vẫn khá căng thẳng. Đội ngũ lãnh đạo của Đức lo lắng về đợt tái cực đoan, gồm cả việc quay lại chủ nghĩa phát xít. Eberhard Wildermuth - Bộ trưởng BĐS đầu tiên của Đức từng cho biết: “số lượng cử tri cộng sản ở các nước châu Âu tỷ lệ nghịch với số đơn vị nhà ở trên mỗi 1.000 người”. Do nhiều lo ngại chính trị, Tây Đức thiết kế chính sách nhà ở của họ để làm lợi cho càng nhiều người dân càng tốt.
Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới, tỷ lệ sở hữu
nhà ở Đức là 43%.
Bất động sản cho thuê gia tăng
Sau khi Tây Đức ra đời năm 1949, chính phủ đã thúc đẩy luật nhà ở đầu tiên. Lúc bấy giờ, luật được thiết kế để kích thích xây dựng những ngôi nhà có giá trị, kích thước, giá thuê nhắm đến và phù hợp với đại chúng.
Theo đó, sức xây nhà bùng nổ. Vào năm 1956, Tây Đức kéo thiếu hụt BĐS xuống còn một nửa. Đến năm 1962, họ chỉ còn thiếu 658.000 căn nhà. Hầu hết nhà ở mới là nhà cho thuê vì những người mua tiềm năng ít có nhu cầu. Khi đó, thị trường nhà đất Đức cực kỳ yếu và có ít người có đủ tiền.
Nhà chính phủ cho thuê - nơi ở cho người nghèo?
Hậu Thế chiến thứ II, Đức không phải là nước duy nhất đối mặt cuộc khủng hoảng nhà. Anh cũng gặp vấn đề tương tự và chính phủ nước này cũng dành chi tiêu quy mô lớn để thúc đẩy nhà đất. Tuy nhiên, người Anh đến nay không còn là những người thích thuê nhà với tỷ lệ sở hữu nhà ở 66%, cao hơn nhiều so với Đức.
Thực tế cho thấy, dường như thuê nhà ở Đức hay hơn là mua. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách nhà ở Đức cân bằng giữa sự tham gia của chính phủ và đầu tư tư nhân tốt hơn so với nhiều nước khác. Theo chuyên gia Jim Kemeny: “Vai trò của chính sách công là đi theo con đường tạo thế cân bằng nhạy cảm giữa việc để thị trường đi theo hướng tự nhiên và can thiệp mạnh tay”.
Vương quốc Anh áp đặt tiền thuê nhà và trần chi phí xây dựng lên các nhà phát triển nhà chính phủ cho thuê với giá thấp. Do đó, chất lượng nhà bị ảnh hưởng. Sự khác biệt giữa nhà chính phủ và nhà xây dựng từ tài trợ tư nhân ngày càng lớn theo thời gian. Điều này khiến các căn nhà cho thuê, chủ yếu là được chính phủ đầu tư bị e ngại. Điều đáng nói là, nhà chính phủ cho thuê được mặc định là nơi cho người nghèo sinh sống.
Người thuê nhà có lợi
Phân khúc nhà cho thuê ở Đức chịu khá nhiều quy định và các quy định này có lợi cho người đi thuê. Chẳng hạn như, Luật pháp Đức quy định chính phủ bang không tăng tiền thuê nhà lên hơn 15% mỗi 3 năm.
Lý do khác khiến thuê vượt mua trên thị trường BĐS Đức là chính phủ nước này không khuyến khích sở hữu nhà. Khác với các nước có tỷ lệ sở hữu nhà cao như Mỹ, Tây Ban Nha và Ireland, Đức không để người mua nhà trừ khoản thanh toán lãi suất thế chấp khỏi khoản thuế. Nhờ vậy, lợi ích giữa việc sở hữu và đi thuê cân bằng hơn.
Hơn nữa, giá BĐS ở Đức có lịch sử tăng rất chậm, nhiều quy định được áp dụng và nguồn cung nhà đất đầy đủ đồng nghĩa với việc giá thuê nhà ở Đức không đi lên nhanh. Một trong những lý do đi mua là để chống lại việc giá thuê lên cao, do đó ít người Đức muốn sở hữu nhà và tỷ lệ sở hữu nhà ở nước này thấp.
Trên thực tế, số tiền người Đức chi cho nhà ở trong tổng thu nhập cao hơn các nước thích mua nhà như Tây Ban Nha, Mỹ hay Ireland. Thế nhưng, OECD cho biết, trên 93% người Đức cho biết họ hài lòng với tình trạng nhà ở của mình. Được biết, đây là một trong những tỷ lệ hài lòng cao nhất trong các nước giàu được OECD khảo sát.