Những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) năm 2015 chính là thanh khoản cao kỷ lục, hàng loạt thương vụ M&A nghìn tỷ về đích, giới đầu tư rầm rộ quay lại thị trường đổ tiền vào tài sản cho thuê,...
Căn hộ có thanh khoản kỷ lục
Số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, số lượng giao dịch trên thị trường cả nước tính đến hết tháng 11/2015 đạt 24.300 sản phẩm, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi.
Theo CBRE Việt Nam, thanh khoản căn hộ tại Tp.HCM lên đỉnh điểm trong quý II/2015 đạt hơn 10,000 sản phẩm, con số này đánh dấu mức hấp thụ cao nhất một quý trong lịch sử. Trong khi đó, trong quý III/2015 giao dịch căn hộ 9 tháng đầu năm 2015 tại Hà Nội đạt xấp xỉ của cả năm 2009 - là thời kỳ hoàng kim của phân khúc này. Kể từ năm 2007, đây là lượng giao dịch cao nhất.
Nhà đầu tư rầm rộ quay lại thị trường
Bên cạnh lượng khách hàng nhỏ lẻ mạnh dạn rót tiền mua nhà, cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức mua sỉ lô lớn cũng nhập cuộc nhanh chóng. Thực tế cho thấy, nhiều quỹ đầu tư cũng đã xuất hiện và không ngần ngại rót hàng trăm triệu USD vào các dự án. Phải nói rằng, sự trở lại đầy hứng khởi của nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh góp phần đẩy thanh khoản của thị trường lên cao. Thị trường BĐS Tp.HCM năm 2015 chứng kiến nhiều thương vụ mua một lúc dăm ba sàn đến cả chục sàn căn hộ trong một dự án. Các quỹ đầu tư đến từ Singapore có động thái thâu tóm một lúc từ 10-30% sản phẩm trong các chung cư cao cấp.
Loạt thương vụ M&A nghìn tỷ về đích
Điển hình là việc Vingroup mua StarCity Centre (Trần Duy Hưng) từ Tập đoàn Đại Dương và dự án tại số 7 Đại Lộ Thăng Long đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trong khi đó, Gaw Capital Partners (Hong Kong) nhận chuyển nhượng lại 4 dự án BĐS từ Indochina Land gồm Hyatt Regency Danang, Indochina Plaza Hanoi và 2 dự án đang phát triển khác tại Tp.HCM và Quảng Nam… Còn ở miền Trung, dự án 4 tỷ USD do Vina Capital làm cổ đông chính đã được chuyển sang tay ông chủ mới là Tập đoàn Chow Tai Fook của một tỷ phú Hong Kong.
Trong năm 2014, thị trường BĐS đã có bước chạy đà hoàn hảo và tăng tốc,
bứt phá ngoạn mục trong năm 2015. (Nguồn ảnh: Lucas Nguyen)
BĐS cho thuê trở thành xu hướng thời thượng
Không chỉ căn hộ chung cư được đầu tư cho thuê rầm rộ trong suốt 12 tháng qua mà thị trường BĐS còn chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dòng sản phẩm tiêu dùng đặc thù. Những dự án quy mô nhỏ như căn hộ dịch vụ mini, phòng trọ cao cấp với khung giá thuê khá đa dạng từ vài triệu đồng mỗi căn một tháng đến cả nghìn USD. Mô hình đầu tư nhà siêu nhỏ cho thuê giá rẻ đã được Công ty TNHH Lê Thành thí điểm vào cuối năm nay để chuẩn bị cho dự án nhà ở xã hội cho thuê quy mô vài nghìn căn vào năm 2016.
Sự tăng tốc ấn tượng của BĐS nghỉ dưỡng
Năm 2015 chứng kiến sự bùng nổ của BĐS nghỉ dưỡng ven biển và miền núi. Trong đó, nóng nhất phải kể đến Phú Quốc với tổng số vốn đầu tư đăng ký ước tính 8 tỷ USD. Ban quản lý huyện đảo này cho hay, đến đầu quý IV/2015 đã có 22 dự án đi vào hoạt động chiếm diện tích 1.286 ha có số vốn đầu tư đạt 25.811 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 14 dự án khác cũng đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích 733 ha với lượng vốn đầu tư 11.383 tỷ đồng, bao gồm Sân bay Quốc tế Phú Quốc 905 ha với vốn đầu tư 3.076 tỷ đồng.
Các vùng ven biển từ Khánh Hòa, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Phan Thiết, Quảng Ninh, Thanh Hóa hoặc các tỉnh miền núi như Lào Cai, Sapa cũng đều xuất hiện nhiều dự án nghỉ dưỡng đình đám. Có thể thấy, sự trở lại của dòng sản phẩm second home này cho thấy niềm tin vào chu kỳ phát triển mới của BĐS ngày càng lớn dần.
BĐS cao cấp tái xuất mạnh mẽ
Nguồn cung căn hộ cấp cao trong năm 2015 chiếm 1/3 tổng số mở bán trên thị trường, VNREA cho biết. Số lượng căn hộ giao dịch được ở phân khúc này cũng đạt mức kỷ lục trong vòng 3 năm qua.
Không ít ý kiến cho rằng, nguồn cung căn hộ cao cấp bùng nổ có thể xem là con dao hai lưỡi. Đây là tín hiệu đánh dấu sự hồi phục của thị trường. Nếu lệch pha cung cầu (căn hộ cao cấp vượt trội so với nhà ở trung cấp và bình dân) có thể khiến thị trường gặp một số trở ngại, khó khăn.
Theo báo cáo gần đây do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị về việc tăng trưởng mạnh của các giao dịch ở phân khúc cao cấp nhằm ngăn ngừa sự hình thành 'bong bóng' BĐS có tính chu kỳ.