Thị trường khách sạn Châu Á - Thái Bình Dương quý III phát triển không đồng đều

  20/10/2015 - 03:51

Thị trường khách sạn Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến sự phát triển không đồng đều giữa các nước trong khu vực, báo cáo thị trường quý III/2015 của Công ty nghiên cứu Bất động sản (BĐS) Savills cho biết.

Trong quý trước, hai nước Nhật Bản và Australia diễn ra các hoạt động đầu tư, giao dịch thuộc phân khúc khách sạn sôi nổi nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong quý trước. Thế nhưng, thị trường khách sạn tại một số nước gần như im ắng, hầu như không có giao dịch đáng chú ý nào được ghi nhận.

Báo cáo của Savills cho hay, trong quý III vừa qua, tại 6 nước Châu Á - Thái Bình Dương có tổng cộng 37 khách sạn đã được bán với tổng giá trị giao dịch lên đến 1,78 tỉ USD, con số này đã tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Thị trường khách sạn tại Nhật Bản đang hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch. Cụ thể, lượng khách quốc tế tới Nhật trong 8 tháng đầu năm nay tăng gần 50% so với cùng kì năm ngoái, kéo theo hoạt động kinh doanh khách sạn cũng diễn ra rất sôi động. Ngoài ra, nhờ các chính sách được đánh giá là ổn định của chính quyền cũng như thủ tục xin visa dễ dàng, BĐS tại Nhật Bản nói chung và phân khúc khách sạn nói riêng được coi là nơi trú ẩn an toàn của những dòng vốn đầu tư nước ngoài.

thị trường khách sạn
Theo dự báo, thị trường khách sạn Nhật Bản tiếp tục có nhiều khởi sắc trong
quý IV/2015.

Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về lượng giao dịch khách sạn của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong quý III với 17 khách sạn đã được bán với tổng giá trị 561,7 triệu USD, Savills cho biết. Tiêu biểu là thương vụ Tập đoàn Hoshino Resort Co Ltd đầu tư 331 triệu USD vào chuỗi 4 khách sạn ANA Crowne Plaza, gồm 1.229 phòng với hơn 20 bar và nhà hàng.

Bên cạnh đó, Australia cũng là một điểm sáng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại khu vực này. Niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường khách sạn hiện duy trì ở mức cao tại Melbourne, Sydney và các thành phố lớn khác của đất nước này.

Mặt khác, thị trường chứng kiến một số giao dịch nổi bật trong quý III năm nay như Tập đoàn Bonvests Holdings mua lại khách sạn Four Points Sheraton ở Perth của tập đoàn GIC Host Hotels với giá 67,1 triệu USD, hoặc như mới đây khách sạn The Oaks Eland tại Darwin của Tập đoàn Gwelo đã được bán cho tập đoàn Minor International của Thái Lan với giá là 41,6 triệu USD.  

Tại Hàn Quốc, Chuncheon là khách sạn duy nhất được chuyển nhượng quyền sở hữu với giá lên tới 26,3 triệu USD. Tỉ lệ lấp đầy ở mức thấp, giá phòng trung bình cùng với nguồn cung lớn nên thị trường khách sạn Hàn Quốc bị đánh giá là yếu kém cũng như chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Cuộc suy thoái ảnh hưởng lan ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực kinh doanh khach sạn. Thị trường chứng khoán lao dốc, đồng nhân dân tệ mất giá đã khiến giới nhà giàu nước này đổ xô đi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Còn thị trường trong nước ngày càng kém hấp dẫn.

Giá dầu giảm, tiền tệ mất giá cung những bất ổn chính trị là những rào cản lớn kìm hãm sự phát triển của thị trường khách sạn trong khu vực Đông Nam Á. Do tiền mất giá nên sức mua của các nhà đầu tư địa phương bị hạn chế. Mới đây, vụ nổ bom Thủ đô Bangkok (Thái Lan) khiến du khách quốc tế hủy hàng loạt các chuyến du lịch đến đất nước này. Hiện tại, các nhà đầu tư ngoại chuyển sang trạng thái chờ đợi và quan sát các diễn biến mới của thị trường trước khi quyết định rót vốn. Các thị trường phát triển nhất khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, theo dự báo của các chuyên gia phân tích của Savills, thị trường khách sạn Đông Nam Á vẫn còn nhiều tiềm năng phục hồi trong thời gian tới.

(Theo Nhịp sống thời đại)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu