Trong khi dự án nhà ở thương mại đang ở tình trạng ế ẩm, tồn kho thì các dự án nhà ở xã hội lúc nào cũng thu hút khách hàng đến mua.
Anh Nguyễn Văn Vỹ quê ở Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp đã gần 10 năm nay nhưng vẫn phải thuê nhà để ở. Vì thế, năm ngoái, khi đăng ký mua được nhà ở xã hội (NOXH) cho người thu nhập thấp tại 143 Hà Đông (Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư anh rất vui mừng và phấn khởi. "Với một căn hộ có cùng diện tích, giá nhà ở xã hội chỉ bằng một nửa so với nhà ở thương mại. Hơn nữa, nhà ở xã hội lại được hỗ trợ vốn vay nên người lao động nghèo như chúng tôi mới có điều kiện tiếp cận", anh Vỹ cho hay.
Người dân tìm hiểu thông tin về các dự án nhà ở xã hội
Căn hộ anh Vỹ đăng ký mua gần gần 70m2, với giá 15 triệu đồng/m2, tổng trị giá căn hộ là gần 1 tỷ đồng. Do được hỗ trợ vay vốn 50% nên anh Vỹ chỉ phải trả trước 500 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh Vỹ được trả dần trong thời hạn 10 năm và lãi vay chỉ từ 0,4%/tháng. Trong khi đó, ngay đối diện, nhà ở thương mại tại khu đô thị Mỗ Lao có giá đắt gấp đôi là từ 28 - 30 triệu đồng/m2. Giá thành một căn hộ có diện tích tương đương lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Anh Vỹ tính toán, giá NOXH tại 143 Hà Đông tuy cao hơn các khu nhà ở xã hội khác khoảng từ 3 - 4 triệu đồng/m2, thậm chí đắt ngang với nhà ở thương mại ở một số khu vực khác (như dự án chung cư Viện 103 Văn Quán đang được rao bán trên thị trường từ 13,9 - 14,5 triệu đồng/m2...). Tuy nhiên, với vị trí địa lý thuận lợi, giá bán thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại cùng khu vực nên vẫn thu hút rất đông người dân.
Anh Nguyễn Quốc Dũng (quận Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết, anh cũng đã tìm hiểu và có ý định mua NOXH ở Kim Văn - Kim Lũ để tiện việc đi lại. Với căn hộ diện tích khoảng 60m2 và giá là 11 triệu đồng/m2 thì số tiền mua căn hộ khoảng 660 triệu đồng. Theo tìm hiểu của anh Dũng, hiện nay, hầu hết các khu nhà ở xã hội ở các vị trí thuận lợi, gần trung tâm đều đã có khách đăng ký mua vì giá nhà phù hợp với thu nhập của người dân.
Chính vì thu hút khách nên ở một số khu NOXH đã xuất hiện tình trạng tiền chênh. Như NOXH Kim Văn - Kim Lũ, với lợi thế gần trung tâm, gần các trục giao thông chính, theo thông tin từ một số khách mua, nếu mua lại suất mua nhà thì người mua có thể phải trả tiền chênh lên đến gần 200 triệu đồng/căn hộ.
Nhiều khu NOXH khác tuy ở xa trung tâm nhưng cũng đang hút khách mua vì giá bán hấp dẫn và hạ tầng đồng bộ. Đặng Xá là dự án nhà ở xã hội hiện đại nhất hiện nay với hệ thống nhà cửa, các hạ tầng thiết yếu đi kèm như công viên cây xanh, đường giao thông, bể bơi, siêu thị, nhà trẻ, trường học... Dù là NOXH, nhưng dự án này còn chất lượng hơn nhiều nhà ở thương mại hiện nay, trong khi đó giá bán chưa tới 9 triệu đồng/m2, người mua nhà lại được ưu đãi vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nên hết sức phù hợp với túi tiền của người lao động có thu nhập trung bình. Một số dự án khác của Viglacera như Tây Mỗ, chủ đầu tư cho biết, Viglacera đã đưa ra thị trường gần 900 căn nhưng chỉ từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7, đã nhận hơn 1.200 hồ sơ đăng ký mua nhà. Điều này cho thấy nhu cầu về NOXH của người có thu nhập thấp rất lớn.
Theo Bộ Xây dựng, hiện trên cả nước đang tiếp tục triển khai 129 dự án NOXH, trong đó có tới 90 dự án là cho người thu nhập thấp với quy mô 55.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 27.560 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn cung NOXH vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, dự báo đến năm 2015, cả nước vẫn cần đến 1 triệu căn hộ NOXH.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Thời gian tới, các chính sách về nhà ở sẽ vẫn tiếp tục được hoàn thiện, trong đó, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội cũng đã dành một chương riêng cho NOXH".
TS Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam:
"Một trong những rào cản khác khiến người nghèo khó tiếp cận nhà ở xã hội là họ không được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng mà chỉ có thể bỏ tiền ra để mua những căn do chủ đầu tư xây dựng. Do nguồn cung còn quá ít so với nhu cầu thực, việc xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội vẫn được thực hiện theo cơ chế xin cho. Vì vậy, để gỡ khó, Nhà nước không nên mãi cung ứng sản phẩm nhà ở cho người dân mà nên tạo chính sách để người dân được trực tiếp tham gia vào việc kiến tạo nhà ở cho chính mình".
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến:
Ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế nhiều hơn so với xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua. Nhà nước cần giữ vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội, nhưng phải bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, tránh lợi dụng các cơ chế ưu đãi để hưởng lợi.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch:
Có thể thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước này, đặc biệt chỉ nên lập quỹ ở đô thị có nhu cầu nhà ở xã hội cao.
|