Thời gian gần đây, ở cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp.HCM, dư luận đều xôn xao xung quanh vấn đề xây siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM). Nhiều người đang lo ngại sẽ xảy ra lạm phát với loại hình bất động sản này.
Thông tin một vị chuyên gia đưa ra đề xuất Hà Nội quy hoạch 1000 siêu thị gây choáng váng dư luận. Bên cạnh đó, tại Tp.HCM, dư luận lại được dịp xôn xao khi TP có kế hoạch đập chơ Tân Bình để xây TTTM hoành tráng với vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Ngoài 2 thành phố lớn nhất nước, câu chuyện xây TTTM, siêu thị từ những chợ truyền thống cũng đang trở thành phong trào ở nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí ở cả các tỉnh nghèo. Cùng với câu chuyện lạm phát siêu thị, TTTM, còn có thêm một nỗi lo khác, đó là chợ truyền thống có thể sẽ nằm trong "sách đỏ".
Việc xây dựng các siêu thị và TTTM là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập, việc lập quy hoạch cho hệ thống này cũng là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, tương tự như với các loại hình BĐS khác, quy hoạch siêu thị và TTTM cũng cần phải gắn liền với tính khả thi và nhu cầu thực tế. Không thể quy hoạch theo kiểu "Dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số thủ đô sẽ là 9,4 triệu người, thu nhập bình quân 7.500 USD/người nên tổng mức bán lẻ sẽ đạt khoảng 45,6 tỉ USD…" nên phải có khoảng... 999 siêu thị và 64 TTTM!
|
Cảnh ế ẩm tại một trung tâm thương mại. Ảnh: Hoàng Triều |
Không phải tự nhiên mà các TTTM chuyển đổi từ chợ dân sinh hầu hết đều hoạt động kém hiệu quả. Được xem là trung tâm kinh tế thương mại lớn nhất cả nước, Tp.HCM hiện có 240 chợ, 25 TTTM và 82 siêu thị. Theo quy hoạch đến năm 2020 vừa được phê duyệt, tương lai, Tp.HCM sẽ có thêm 43 siêu thị và 92 TTTM. Con số này chưa bằng một nửa của Hà Nội, tuy nhiên, tại nhiều chợ và TTTM, lượng khách vô cùng ít ỏi. Ngay chợ Tân Bình hiện hữu (chưa bị đập đi xây lại) vẫn còn một tầng lầu chưa được dùng đến!
Rất nhiều lần, tình trạng các chợ sau khi chuyển đổi thành TTTM hoạt động kém hiệu quả, để hoang lãng phí đã được chất vấn tại các kỳ họp HĐND ở Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được phân tích, nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện. Nguyên nhân chính khiến tình trạng siêu thị, TTTM mọc cứ mọc, hoạt động kém vẫn hoạt động kém, là do quy hoạch đã bỏ qua nhu cầu của chủ thể tiểu thương và người tiêu dùng. Thế mới để xảy ra tình trạng xây siêu thị, TTTM tràn lan để rồi lại phải chuyển đổi công năng. Trong khi đó, inh nghiệm ở Singapore từng được nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu chia sẻ, nên làm đường ở những nơi người dân hay đi lại nhất, và xây chợ ở những nơi người dân thích đến nhất.
Chợ truyền thống đã mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc, gắn liền với lịch sử của dân tộc ta, vậy tại sao không quy hoạch lại chợ, tại sao không nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống? Nếu chúng ta cứ đập bỏ chợ truyền thống, xây quá nhiều siêu thị, TTTM như hiện nay, rất có thể, đến một lúc nào đó, chợ truyền thống chỉ còn trong tiềm thức.