Thời điểm tốt nhất để mua bất động sản tại Việt Nam

  22/03/2016 - 09:07

Một báo cáo vừa mới đăng tải trên tờ Financial Times cho biết, cùng với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang trở nên ấm hơn nhiều so với các năm trước. Hiện tại là thời điểm tốt để các nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Sự phát triển của các sân golf, du khách nước ngoài tăng mạnh, nhu cầu mua nhà của người nước ngoài nhiều hơn là 3 yếu tố chính giúp BĐS Việt Nam tăng trưởng, tác giả báo cáo nhận định.

Vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại đã từng biết đến golf trong một chuyến thăm nước Pháp. Khi trở về nước, vị vua này đã cho xây dựng một sân golf ở cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng) nơi có khí hậu mát mẻ. Nhưng kể từ khi ông qua đời, môn thể thao quý tộc này lại không được chú ý phát triển nữa và dần bị bỏ quên.

Tuy nhiên, ngày nay golf đã trở lại. Việt Nam hiện có 38 sân golf và 65 sân golf khác đang được xây dựng. Có thể nói, môn thể thao này cũng chính là lý do khiến nhiều người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.

Mặt khác, vào tháng 7/2015, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở sửa đổi đã mở rộng cửa hơn cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Cụ thể, người nước ngoài có thị thực hợp lệ, dù là cư trú hay du lịch đều được phép mua BĐS với thời hạn 50 năm và có thể gia hạn. Song, Luật mới cũng có những hạn chế nhất định như người nước ngoài chỉ được mua 30% căn hộ của một tòa nhà chung cư hoặc sở hữu tối đa là 250 ngôi nhà ở khu vực tương đương một phường, ngoại trừ Việt Kiều.

Tuy đây đang là điều kiện thuận lợi nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang theo dõi tình hình cũng như các cơ hội. Kinh nghiệm cho thấy, năm 2008, địa ốc Việt Nam lên cơn sốt khi giá nhà tăng đến 110% so với các năm trước đó. Khủng hoảng tài chính sau đó đã khiến cho bong bóng BĐS vỡ.

Tổng Giám đốc Công ty CBRE, ông Marc Townsend nhận xét về thời điểm đó: “Chủ đầu tư các dự án như chết đứng và cần cẩu công trình không hoạt động. Ngân hàng thì vò đầu bứt tóc, còn các nhà thầu thì bỏ đi”. Hệ lụy là, nhiều dự án khu du lịch đến nay vẫn còn bị bỏ hoang dọc các bờ biển Việt Nam do chủ đầu tư bị phá sản.

Từ năm 2014, thị trường bắt đầu hồi sinh nhờ tầng lớp trung lưu, thu nhập tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh hơn (một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở thành phố vào năm 2025). Các công trường dự án tại Tp.HCM bắt đầu hoạt động nhộn nhịp hơn.

Cả số lượng căn hộ bán ra và lượng tiêu thụ đều tăng khá cao trong năm 2015 vừa qua, gấp 2 lần so với năm 2014.

BĐS Việt Nam, đầu tư BĐS Việt Nam
Thị trường BĐS Việt Nam đang chuyển từ một thị trường biên sang một nơi để đầu tư.

Theo Financial Times, biểu tượng của những niềm hy vọng về thị trường BĐS Việt Nam hiện nay chính là dự án Landmark 81 ở Tp.HCM. Cao ốc này sẽ đạt độ cao khoảng 460m khi hoàn thành vào năm 2017 - 2018, sẽ trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam. Các căn hộ trong tòa nhà này có giá từ 200.000 USD.

So với các nước khác trong khu vực, giá nhà ở tại Việt Nam vẫn còn rẻ hơn. Ngay cả ở trung tâm Tp.HCM, BĐS cao cấp cũng chỉ có giá từ 3.000-5.000 USD/m2, con số này thấp hơn nhiều so với mức giá 9.375 USD/m2 của thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Ông Townsend nhận định: “Việt Nam đang chuyển từ một thị trường biên sang một nơi để đầu tư". Quận 2, Tp.HCM là một trong những khu vực hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài do đầy đủ các tiện ích cao cấp, nhà hàng sang trọng nhìn ra sông Sài Gòn, hệ thống trường học quốc tế. Vịnh Hạ Long hoặc các vùng ven biển khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng đang trở thành những điểm nóng đầu tư.

Financial Times cho rằng, BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng đang là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ lượng khách du lịch đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

Vậy nhưng, Financial Times cũng cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng để xem xét giữa việc phát triển quá nóng các dự án mới trong khi hàng tồn kho vẫn chưa tiêu thụ hết, dư thừa nguồn cung.

(Theo Cafeland)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu