Toàn cảnh thị trường bất động sản 8 tháng qua

  15/09/2015 - 08:25

Từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) đã có tín hiệu hồi phục tích cực về thanh khoản và giá đã có xu hướng tăng nhẹ ở một số phân khúc. Điều đáng nói là, phân khúc cao cấp đang nổi lên trong khi các năm trước được xem là “không hợp thời”.

Vừa qua, tại buổi hội thảo: “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam”, một số chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo rằng, thị trường BĐS sẽ chứng kiến một cuộc bứt phá khá ngoạn mục trong những tháng cuối năm 2015.

thị trường BĐS
Thị trường BĐS những tháng cuối năm 2015 được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, hiện thị trường đang có sự chuyển dịch dòng vốn rất mạnh từ các kênh như vàng, chứng khoán sang đầu tư BĐS bởi nhiều người vẫn cho rằng đây là một kênh đầu tư an toàn và sinh lợi nhất hiện nay tại Việt Nam. Tại mọi phân khúc đều có nguồn cung dồi dào với tính cạnh tranh caoTrên thị trường hiện nay nguồn cung ở mọi phân khúc đang dồi dào và có tính cạnh tranh cao, nhờ đó người mua nhà có sự lựa chọn đa dạng về nơi đầu tư.

Nhu cầu của người nước ngoài đang tăng cao

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, trong thời gian tới “cuộc chơi” BĐS cao cấp sẽ có sự khác biệt so với thời điểm những năm 2007-2008. Phân khúc căn hộ cao cấp chủ yếu do các công ty có tên tuổi và uy tín triển khai với đa số các dự án cao cấp nằm ở những vị trí thuận lợi.

TS. Hiển cho biết: “Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và một số quy định mới đã tạo thông thoáng cho thị trường BĐS, đặc biệt là với đối tượng Việt kiều và người nước ngoài. Mặc dù hiện nay thị trường cho người nước ngoài được đánh giá là rất hấp dẫn do nhu cầu cao song sản phẩm còn thiếu”.

Số liệu thống kê biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, tại Mỹ có hơn 2 triệu người. Việt kiều có nhu cầu đầu tư và nhu cầu mua nhà để ở khi về hưu khá lớn. Còn tại Tp.HCM đã có khoảng 30 nghìn chuyên gia và nhà quản lý; trong khi trên cả nước nhiều nhất là Hàn quốc với khoảng 80 nghìn người đang sinh sống và làm việc.

Tồn kho bất động sản giảm

Số liệu thống kê của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho biết, qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch BĐS, lượng giao dịch thành công trên thị trường BĐS trong tháng 8/2015 tiếp tục tăng từ 5-6% so với tháng trước và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, thị trường Hà Nội có khoảng 1.900 giao dịch thành công, con số này tăng khoảng 5% so với tháng trước đó và tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời điểm, tại Tp.HCM có khoảng 1.800 giao dịch thành công trong tháng 8 vừa qua, so với tháng trước tăng khoảng 6% và tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tại Tp.HCM, loại hình nhà ở có diện tích từ 27-50m2 trong những quý đầu năm có giá từ 750 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/căn đang rất hấp dẫn người mua nhà. Trên thực tế, loại hình này tập trung chủ yếu tại các khu vực quận 9, quận 12, quận Thủ Đức và huyện Nhà Bè.

Lượng BĐS tồn kho cả nước còn khoảng 60.299 tỷ đồng tính đến cuối tháng 8/2015, số liệu này đã giảm đáng kể so với con số 74.000 tỷ hồi đầu năm 2015 và so với thời điểm cuối năm 2012 đã giảm hơn 68.000 tỷ. Cụ thể, tồn kho căn hộ chung cư còn 11.693 căn (17.972 tỷ đồng); nhà thấp tầng tồn kho 8.641 căn (14.998 tỷ đồng); đất nền nhà ở tồn kho 7.081.554m2 (22.784 tỷ đồng) và tồn kho đất nền thương mại còn 1.637.782m2 (4.545 tỷ đồng).

Tín dụng thông thoáng và lãi suất giảm

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, thời gian qua, với những chính sách về tín dụng thông thoáng cho phép doanh nghiệp chủ động kết nối với các ngân hàng tạo ra những gói vay với thời gian và lãi suất linh động, góp phần hỗ trợ cho người mua nhà.

Thực tế có khoảng 80% người mua nhà có nhu cầu vay ngân hàng, các ngân hàng và chủ đầu tư hiện nay hỗ trợ khách hàng thông qua các khoản vay dài hạn hơn với tiến độ thanh toán linh hoạt, mức hỗ trợ lên tới 70-80%. Đồng thời, mức lãi suất thấp cũng là một trong những cơ sở để người dân quyết định xuống tiền mua nhà.

Mặt khác, Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 được đánh giá là tín hiệu tích cực khi Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp mở rộng tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực BĐS, khi giảm hệ số rủi ro với các khoản cho vay kinh doanh BĐS từ 250% xuống 150% và tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên gấp 2 lần (từ 30% lên 60%). Có thể nói, đây là nhân tố tích cực tác động đến thị trường BĐS khi tín dụng đối với lĩnh vực này vốn dĩ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ trong thời gian trước đây.

Bất động sản thu hút mạnh vốn FDI

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm 2015, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 7,89 tỷ USD. Đáng chú ý là, lĩnh vực kinh doanh BĐS với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn, có tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,82 tỷ USD, con số này chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư. Điều đó sẽ tạo thêm lực đẩy cho thị trường BĐS, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm nay.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 20 do Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành nhằm hướng dẫn nội dung Nghị định 11/NĐ - CP đã có hiệu lực được xem là một bước đi mới giúp khơi thông tốt các nguồn vốn bên ngoài vào thị trường BĐS. Hiện Nhà nước cho phép các chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư xong hạ tầng mà không cần phải xây thô.

(Theo Trí thức trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu