Tp.HCM: Bùng nổ tranh chấp tại các chung cư

  03/11/2017 - 08:10

Tại Tp.HCM có 935 chung cư cao tầng thì có tới 105 khu căn hộ đang xảy ra tranh chấp ở các mức độ khác nhau.

Hiệp hội BĐS Tp.HCM mới đây đã công bố báo cáo về thị trường BĐS TP 3 quý đầu năm, trong đó đặc biệt đề cập đến tình trạng xảy ra tình trạng gia tăng tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn.

Toàn TP có 935 chung cư cao tầng thì đã có tới 105 chung cư đang xảy ra tranh chấp với các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 tòa chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt, phức tạp. Những tranh chấp phổ biến là do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho ban quản trị.

Một trong những tranh chấp tại các chung cư lặp đi lặp lại trong thời gian vừa qua là phần sở hữu chung - riêng trong dự án. Cụ thể gồm: nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê... là thuộc sở hữu của chủ đầu tư hay của người dân.

Ngoài ra, những tranh chấp liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng, chất lượng xây dựng chung cư, thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy cũng thường xuyên xảy ra tại nhiều tòa nhà chung cư.

Một vụ tranh chấp
Một vụ tranh chấp tại chung cư quận 7, Tp.HCM nổ ra tháng 10/2017 liên quan
đến tầng hầm khiến chính quyền địa phương phải mời chủ đầu tư và cư dân lên làm việc.
Ảnh: Samuel Nguyen

Đặc biệt, có nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao căn hộ cho người mua đúng cam kết, chưa làm giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người mua nhà sau nhiều năm bàn giao đã khiến cư dân vô cùng bức xúc. Bên cạnh đó, có không ít trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng để vay vốn mà không tiến hành thủ tục giải chấp hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao nhà, đưa dân vào ở.

Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, nguyên nhân của các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư trên địa bàn TP bùng nổ mạnh mẽ thời gian qua là do hệ thống pháp luật vẫn chưa có quy định chế tài kịp thời và hiệu quả. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã quy định về các điều cấm nhưng lại không có điều khoản nào quy định về chế tài xử lý những hành vi vi phạm của các chủ đầu tư.

Một bất cập nữa là Nghị định số 121 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS, quản lý phát triển nhà... có thể đã hết hiệu lực nhưng vẫn chưa được thay thế bằng Nghị định mới.

(Theo VnExpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu