Nhà liền kề, nhà phố, đất nền tại một số khu vực của Tp.HCM như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè... đang tăng giá liên tục trong nhiều quý, mức tăng cao nhất được ghi nhận là tăng gấp 2 lần và phổ biến là tăng 25-30%.
Theo khảo sát của phóng viên, tại khu Đông Tp.HCM, thị trường đất nền và nhà liền thổ vẫn liên tục "nóng" trong nhiều quý liền. Vào năm 2015, nhà liền thổ hơn 100m2, mặt tiền đường số 3, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức được giao dịch ở mức 27 - 28 triệu đồng mỗi m2. Nhưng đến tháng 8/2016, mức giao dịch được ghi nhận tại khu này là 33 - 38 triệu đồng mỗi m2. Nhà nằm trong hẻm đường số 3, cũng nằm trên địa bàn phường Trường Thọ, sau 4 quý, đã nhích từ 18 - 20 triệu đồng lên mức 20 - 24 triệu đồng mỗi m2.
Trong khi đó, nhà phố mặt tiền đường số 2, giao với Xa lộ Hà Nội và cách đại lộ Phạm Văn Đồng 4 km (thuộc phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) năm ngoái có giá giao dịch là 25 - 28 triệu đồng mỗi m2 (tùy thuộc nhà có mặt tiền rộng hay hẹp), nay đã thiết lập mặt bằng giá bán mới là từ 30 triệu đồng mỗi m2 trở lên.
Tại quận 9, đất nền dự án và đất nền lẻ có sổ đỏ cũng đang có sự biến động về giá rất lớn. Đất nền dự án An Thiên Lý (đã có sổ đỏ) tháng 9/2015 dược giao dịch với giá 13,5 triệu đồng, nay được chào bán với giá 18,5 triệu đồng mỗi m2. Đất nền dự án gần trục đường Nguyễn Duy Trinh năm 2015 có giá trung bình là 11 - 12 triệu đồng mỗi m2 thì nay đã tăng giá nhẹ 15%. Riêng đất nền sổ đỏ (không bắt buộc thời hạn xây nhà) trên tuyến đường số 8 có giá 15,5 triệu đồng mỗi m2. Đất gần vòng xoay Phú Hữu năm 2015 được giao dịch với giá 19 - 20 triệu đồng mỗi m2 thì nay đang được chào bán lên tới 25 - 26 triệu đồng mỗi m2.
Bất động sản gắn liền với đất tại Tp.HCM đang tăng giá trong nhiều quý liền. Ảnh: Hao Bui
Giá đất năm 2014 tại quận Bình Tân, phường Tân Tạo, Nguyễn Cửu Phú, khu dân cư Tên lửa Residence chỉ ở mức 13,6 triệu đồng mỗi m2, đến năm 2015 đã vọt lên 18,5 triệu đồng mỗi m2. Khảo sát vào tháng 8/2016, giá đất tại các khu vực này đã có giá 25 triệu đồng mỗi m2. Theo môi giới, yếu tố tác động đến việc tăng giá đất tại đây là Tỉnh lộ 10 B đã được hoàn thiện vào cuối 2015, đầu năm 2016.
Cũng thuộc địa bàn quận Bình Tân, phường Tân Tạo A, quốc lộ 1A đi vào đường Trần Đại Nghĩa 500m, hẻm sâu 200m, giá đất giao dịch vào năm 2015 ở mức 20 - 22 triệu đồng mỗi m2 thì hiện nay đang được chào bán ở mức 25 - 27 triệu đồng mỗi m2. Giới buôn nhà đất tại địa bàn này cho biết, ở phía Tây Tp.HCM, quận Bình Tân là địa bàn có lượng dân nhập cư đông đúc, nhu cầu về nhà liền thổ rất lớn, đây chính là nguyên nhân kích giá đất tại khu vực này tăng khá nhanh.
Đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè cũng đang tăng khá mạnh, tuy nhiên chủ đất chỉ bán các lô lớn có diện tích một vài nghìn m2 trở lên. Trên tuyến đường Nguyễn Văn Tạo giáp ranh với Long An, đất nông nghiệp được giao dịch ở mức một triệu đồng mỗi m2 vào năm 2015, nhưng đến tháng 8/2016 giá đất đã tăng gấp đôi, vọt lên 2 triệu đồng mỗi m2.
Giá đất tại huyện Nhà Bè, Tp.HCM cũng tăng mạnh nhờ mở đường, thông cầu. Ảnh: Vũ Lê
Hiện giá đất xây dựng nhà ở, công trình trên tuyến đường Nguyễn Văn Tạo cũng đã tăng từ 3 - 4 triệu đồng mỗi m2 lên 5 - 6 triệu đồng mỗi m2. Riêng đất thổ cư nằm trong các hẻm lớn trên tuyến đường này đang được giao dịch ở mức 7 - 9 triệu đồng mỗi m2, tăng trung bình 2 triệu đồng mỗi m2. Nguyên nhân khiến đất khu vực này tăng mạnh, theo các môi giới địa phương tiết lộ là vì cầu mới xây xong, đường được mở rộng và được trải nhựa đã thu hút nhiều nhà đầu tư về đây gom đất, tạo cơn sốt trong nhiều quý liên tiếp.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Techcomreal xác nhận, chu kỳ tăng giá cục bộ của BĐS liền thổ tại Tp.HCM vẫn âm ỉ trong suốt nhiều quý vừa qua. Từ đất nền dự án, đất nền sổ đỏ phân lô, nhà phố mặt tiền, nhà hẻm... ở các khu rìa nội đô như Thủ Đức, quận 9, Nhà Bè, Bình Tân đều có xu hướng tăng giá liên tục.
Theo ông Lộc, nếu như năm 2015 BĐS gắn liền với đất từng có đợt sốt cục bộ tại những khu vực có tiến độ hạ tầng nhanh thì trong 7 tháng đầu năm 2016, sức tăng của dòng sản phẩm này vẫn chưa dừng lại. Đối tượng mua các sản phẩm này là những người trường vốn, muốn tìm kênh trú ẩn an toàn, đồng thời tích lũy tài sản.
Vị quản lý này cũng lý giải nguyên nhân khiến BĐS liền thổ có thể duy trì đà tăng trưởng kéo dài so với những sản phẩm khác là do tâm lý chuộng tích cóp đất đai của người dân vẫn còn khá nặng. Thêm vào đó, tiến độ hạ tầng liên tục được đẩy nhanh ở những địa bàn này đã tạo nên động lực tăng giá. Ngoài ra, do mặt bằng chung của giá đất tại các khu vực rìa nội đô vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực trung tâm nên biên độ tăng giá vẫn còn nhiều.
Trong báo cáo về thị trường nhà liền thổ vừa được công bố, Savills Việt Nam cũng đánh giá nhiều dự án hạ tầng tại Tp.HCM bao gồm hệ thống đường sắt đô thị và đường vành đai đang hứa hẹn sẽ cải thiện nhanh khả năng tiếp cận đến những khu vực vùng ven. Thời gian di chuyển ngắn hơn và thuận tiện hơn sẽ giúp nguồn cung BĐS gắn liền với đất trong tương lai trở nên phù hợp với khả năng chi trả của một bộ phận người mua nhà.
Đơn vị này cũng cho biết thêm, riêng phân khúc nhà phố đã vượt qua các loại hình BĐS nhà ở khác về mặt lợi suất trong giai đoạn 2013 - 2016 nhờ một phần là giá đất tăng lên.