Tp.HCM: Vốn FDI đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản

  06/11/2017 - 08:13

Báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM cho thấy, 10 tháng năm 2017, cả nước đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 28,24 tỷ USD, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước (chỉ đạt 17,6 tỷ USD). Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Riêng tại Tp.HCM đã thu hút được 5,03 tỷ USD vốn FDI , đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo xếp đầu tiên khi chiếm 34,5%; lĩnh vực bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2.

Tín hiệu tích cực nhất của dòng vồn FDI trên thị trường đang nghiêng về các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, trong đó việc Công ty Nishi Nippon và Hankyu hợp tác cùng Nam Long thực hiện dự án khu dân cư Mizuki Park với diện tích rộng 26 ha tại quận Bình Chánh, tổng vốn đầu tư 351 triệu USD là một minh chứng rõ rệt.

Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Sơn Kim (Sơn Kim Land) vừa qua cũng đã kêu gọi được 100 triệu USD để phát triển dự án thành công từ nhà đầu tư Nhật Bản. Trong khi đó, Aeon Mall, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản đã chính thức liên doanh với Tập đoàn BIM, triển khai phát triển TTTM thứ hai của Aeon tại Hà Nội. Dự án này có diện tích 16,7 ha, ước tính tổng số vốn đầu tư là 200 triệu USD.

lĩnh vực bất động sản
Tp.HCM: Vốn FDI đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản

Tập đoàn CFLD cũng đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần của dự án Lotus Đại Phước của VinaCapital với giá trị chuyển nhượng là 65,3 triệu USD. Đại Phước Lotus là một dự án khu dân cư có tổng điện tích 198,5 triệu ha, thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai, giáp ranh Tp.HCM.

Ngoài ra, 65% cổ phần của dự án khu phức hợp Times Square (Hà Nội) trị giá 41 triệu USD của VinaCapital cũng vừa được chuyển nhượng sang Công ty Elite Capital Resources Limited.

Báo cáo của HoREA cũng cho biết, lượng kiều hối về Tp.HCM trong 9 tháng năm 2017 đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có khoảng 22% lượng kiều hối là được đầu tư vào lĩnh vực BĐS.

HoREA cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã huy động được số vốn ước tính khoảng 1,98 triệu tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm hiện chiếm tỷ trọng là 51,6%, yếu tố tích cực là tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm dài hạn trên 12 tháng đang có xu thế tăng lên, chiếm khoảng 34% tổng số tiền gửi tiết kiệm.

HoREA đánh giá, nhờ tín dụng tăng trưởng cao, dư nợ ước hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, TP có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 21% trong năm 2017 như chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cao hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, nhưng điểm tích cực là dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn đã tăng lên, chiếm tới 53% tổng dư nợ.

Theo thống kê, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn TP thường chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ, cao hơn mức dư nợ này của cả nước là 6,5%. Riêng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở cho hơn 10.000 cá nhân, hộ gia đình đạt khoảng 4.740 tỷ đồng, điều này đã góp phần cải thiện nhà ở cho các đối tượng này.

(Theo Tri thức trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu