Để quản lý chặt chẽ thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin trong nước, Trung Quốc sẽ giới hạn lượng khai thác đất hiếm ở mức 140.000 tấn/năm trở xuống.
Trung Quốc quản lý chặt thị trường đất hiếm. (Nguồn ảnh: Reuters).
Vào ngày 18/10/2016, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) đã công bố “Kế hoạch phát triển đất hiếm giai đoạn 2016-2020”, xác định đến năm 2020, quốc gia này sẽ giới hạn lượng khai thác đất hiếm ở mức 140.000 tấn/năm trở xuống để quản lý chặt chẽ thị trường này, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin trong nước.
Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc sẽ quản lý thị trường đất hiếm chặt chẽ hơn, kiên quyết điều tra, phát hiện và xử lý mọi cá nhân có hoạt động khai thác, buôn bán trái phép đất hiếm, không cấp mới quyền khai thác đất hiếm ngoài 6 tập đoàn đã được cấp phép từ trước.
Hiện Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới, nhưng giới chức trách ngành công nghiệp đất hiếm của nước này cho biết ngành này luôn phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng như nạn buôn lậu, khai thác trái phép, mất an toàn sản xuất, ô nhiễm môi trường và thiếu sức cạnh tranh do năng lực quản lý, nghiên cứu, ứng dụng yếu.
Giai đoạn thực hiện “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12” (2011 – 2015), Trung Quốc đã buộc đóng cửa 14 mỏ và 28 công ty khai thác đất hiếm vi phạm pháp luật, xử phạt 230 triệu Nhân dân tệ và thu hồi 36.000 tấn đất hiếm.