Chủ tịch điều hành Quỹ Jen Capital Nguyễn Vĩnh Trân nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam sẽ bước vào một cuộc đua mới, tính cạnh tranh gay gắt hơn với một sân chơi không chỉ có doanh nghiệp BĐS nội địa làm chủ như trước đây.
Đó chính là nhận định về tiềm năng tăng trưởng của thị trường BĐS Việt Nam từ quý III/2015. Theo ông Trân, thị trường BĐS đang có sự hồi phục khá tốt trong những quý vừa qua. Hàng loạt công ty BĐS bung hàng rầm rộ và tỷ lệ hấp thụ trên thị trường cũng rất đáng khích lệ. Thị trường BĐS Việt Nam phát triển "cực thịnh" trong quý III/2015, thời điểm mà những luật và quy định liên quan tới thị trường có hiệu lực thực hiện.
Cụ thể, thị trường đã có dầu hiệu sôi động hơn hẳn ngay khi có chính sách cho Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối với đất nước có dân số hơn 90 triệu người, nếu chỉ với hơn 9 triệu người, tức là khoảng khoảng 10% có khả năng mua nhà đã là lớn, nay quy định cho Việt Kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở dài hạn tại Việt Nam chuẩn bị hiệu lực thì nhu cầu của thị trường BĐS là rất lớn.
Bên cạnh đó, ông cũng giải thích thêm, từ đầu năm đến nay, thị trường có tốc độ hấp thụ khá tốt, hàng loạt doanh nghiệp bất động một thời gian khá dài nay cũng bung hàng. Với đà sôi động này, thị trường trong quý tới sẽ càng hấp dẫn và doanh nghiệp hoạt động một cách minh bạch, chuyên nghiêp hơn theo đúng những quy định dưới luật.
|
Thị trường nhà đất sẽ thực sự sôi động từ quý III/2015. Ảnh: Internet |
Ông Trân nói thêm, những chính sách này cần phải được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch theo hướng một cửa thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho thị trường. Đơn cử, khi Nhà nước đưa ra gói 30.000 tỷ đồng ai cũng hồ hởi. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao vì nhiều thủ tục quá rườm rà. Chúng ta không nên để chuyện này lập lại khi thị trường BĐS đang tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, những nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới thị trường BĐS Việt Nam thông qua nhiều chiến lược mua bán, sáp nhập, liên danh liên kết. Trong đó, họ cũng đang “săn tìm” các dự án khả năng sinh lời cao, được đầu tư tốt và không có dấu hiệu của đầu cơ. Nhưng khi vào nước ta đầu tư, họ luôn đưa ra một lộ trình dài hạn chứ không xác định một mốc thời gian để thu hồi vốn cụ thể.
Theo ông Trân, thị trường hiện tại đã khác, những nhà đầu tư ngoại muốn phát triển ở dây dài hơi hơn. Họ đã có một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu, quan sát thị trường và đón nhận những chuyển biến mới về chính sách, bây giờ là cơ hội tốt nhất để họ có thể thâm nhập thị trường.
Vì những lý do trên, Quỹ Đầu tư Jen Capital đang tìm kiếm các dự án bất động sản tiềm năng trong trung hạn và dài hạn tại Việt Nam để “rót vốn” vào thời gian này. Hiện tại, tổ chức tài chính này đang tập trung vào những dự án ở vùng đô thị đông dân cư với quy mô khoảng vài trăm căn hộ như ở quận 4, quận 7, quận 10, quận Tân Bình... Mỗi dự án quỹ này trung bình chỉ “rót” vốn từ 10-20 triệu USD và không chọn các dự án cao cấp trong trung tâm thành phố.
Hiện nay, Jen Capital vẫn chỉ muốn hướng tới các dự án tại Tp.HCM. Ông Trân cho biết, cơ hội tại Tp.HCM vẫn mênh mông nhưng dự án đã giải phóng mặt bằng, sạch về giấy tờ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Trân nói: “Chúng tôi không cần phải vội vã, có thể ngồi chờ cơ hội chắc chắn, lợi thuận thấp mà ít rủi ro để đầu tư”.
Trước câu hỏi, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của BĐS Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới. Ông Trân cho biết, không có gì bảo đảm về cơ hội thị trường trong khoảng thời gian dài như thế vì BĐS Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng. Về lâu dài, các sản phẩm nào đáp ứng tốt nhu cầu người mua nhà thì sẽ chiếm được thị trường. Thị trường thời điểm trước là của người bán nhưng nay là người mua. Nghĩa là, người lựa chọn là người đầu tư, sản phẩm nào trong 10 năm tới có thể đáp ứng được nhu cầu của họ thì chắc chắn sẽ giành được phần thắng.
Tuy nhiên, theo ông Trân, cản trở lớn nhất cho các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp trong và ngoài nước trong những thương vụ đầu tư là họ khó chấp nhận các dự án vẫn chưa phải là đất sạch, còn vướng những thủ tục pháp lý về giải tỏa, đền bù... Vấn đề giá đất chưa được rõ ràng và mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu là khó khăn thứ hai. Thứ ba là chính sách cần phải được minh bạch, rõ ràng về mặt xin giấy phép, thanh toán tiền sử dụng đất, chính sách tài chính cho khách hàng...