Với những đặc thù về tài sản bảo đảm và khả năng cho vay theo món lớn một cách thuận lợi, ngân hàng thương mại thường có xu hướng ưu tiên phát triển tín dụng bất động sản (BĐS) hơn cho vay sản xuất kinh doanh thông thường.
Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã đưa ra nhận định trên thông qua báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV/2015 do Viện này công bố.
Theo VEPR, trong những tháng cuối năm 2015, thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng nhanh, nhất là tại thị trường Tp.HCM. Cụ thể, tại Tp.HCM, tổng nguồn cung sơ cấp tăng gần gấp đôi quý IV so với cùng kỳ năm 2014, đạt 37.200 căn. Tp.HCM đã có khoảng 7.700 căn hộ đã được giao dịch thành công trong quý cuối năm vừa qua, tương ứng với tỷ lệ hấp thụ khoảng 20%.
Còn tại Hà Nội, trong quý IV/2015, nguồn cung sơ cấp thị trường căn hộ để bán đạt 16.000 căn, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 41%. Đã có khoảng 6.400 căn được bán ra, đạt tỷ lệ hấp thụ 40%. Có trung bình khoảng 7000 căn hộ/quý sẽ được bổ sung vào nguồn cung sơ cấp tại Hà Nội và 5000 căn hộ/quý tại Tp.HCM trong thời gian tới.
Sự bền vững của thị trường BĐS có thể bị ảnh hưởng nếu chính sách tiền
tệ - tín dụng không được định hướng đúng.
VEPR nhận định, nếu tiếp tục duy trì được tỷ lệ hấp thụ cao như nửa cuối năm 2015 thì thị trường địa ốc có thể tương đối cân bằng về quan hệ cung-cầu trong năm nay.
Cùng với đó, tín dụng BĐS tăng 14,59% trong 3 quý đầu năm 2015, tỷ lệ này cao hơn đáng kể mức tăng tổng tín dụng và cùng kỳ các năm trước. Báo cáo của VEPR nêu rõ: "Điều này gây những lo ngại về khả năng tiềm ẩn hình thành bong bóng tài sản mới trong tương lai. Nếu chính sách tiền tệ - tín dụng không được định hướng đúng, sự bền vững của thị trường BĐS có thể bị ảnh hưởng".
Trước thực trạng này, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách khuyến nghị cơ quan điều hành cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS và định hướng dòng vốn vào khu vực tạo ra tiến bộ về năng suất cao hơn cho nền kinh tế. Theo đó, cần tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài, mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 được cho là quá cao trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại.
Theo đề xuất của VEPR, nên xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức từ 12 - 15%, đồng thời thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất. Có thể xem xét điều chỉnh tăng hệ số dự phòng chung và hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên.