Hôm qua (23/11), Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cùng UBND Tp.HCM tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc.
Tại Hội nghị này, đại diện của 14 tỉnh vùng Tây Bắc đã ký cam kết hợp tác đầu tư với Hiệp hội Du lịch, Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp lữ hành Tp.HCM để tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch đến các tỉnh thành vùng Tây Bắc.
Vùng Tây Bắc đang thu hút mạnh các dự án bất động sản về khách sạn, du
lịch, nghỉ dưỡng.
UBND tỉnh Bắc Cạn đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn về dự án Khu du lịch Sài Gòn - Ba Bể với tổng vốn đầu tư trên 130 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sun Group cũng đã ký kết với UBND tỉnh Lào Cai cam kết đầu tư vào tỉnh này trên 20 nghìn tỷ đồng triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020. Được biết, đó là những dự án phát triển hạ tầng Khu du lịch Cáp treo Sapa với các loại hình khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, với khoảng 6 nghìn phòng khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao, khu mua sắm, trung tâm hội nghị,... có tổng vốn là 10 nghìn tỷ đồng.
Theo đại diện UBND tỉnh Sơn La, nếu đường hàng không thuận lợi thì việc bay từ Tp.HCM đến các tỉnh Tây Bắc sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch cho toàn vùng. Hiện tại, để đến Sơn La phải mất 6 tiếng đi từ Hà Nội, vì thế có thể du khách sẽ chọn địa phương khác. Do đó, Chính phủ nên nghiên cứu để nâng cấp sân bay Sơn La, dự tính số vốn nâng cấp khoảng trên 1 nghìn tỷ đồng.
Tuy giàu tiềm năng và đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng vùng Tây Bắc chưa khai thác được hết hiệu quả để phát triển xứng tầm cả về tính chất lẫn quy mô.
Số liệu thống kê Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, vùng Tây Bắc đón 8,7 triệu lượt khách trong năm 2014, khách quốc tế trong đó là 1,5 triệu lượt, lượng khách này chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 10% trong cơ cấu khách du lịch cả nước.