Bán nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước phải đảm bảo tính công bằng

  26/02/2015 - 08:32

Các chuyên gia cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong bán loại hình nhà này ngay tại Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở khi có sự khác biệt lớn trong diện tích nhà ở xu thuộc sở hữu nhà nước giữa các tỉnh và vùng miền. Nghị định này sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2015.

nhà cũ thuộc sở hữu của Nhà nước
Cần phải minh bạch trong quá trình bán nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước

Hạn mức diện tích được bán được quy định cụ thể

Giải thích cho việc cần thiết phải đưa ra quy định cụ thể về hạn mức diện tích nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước được bán, các chuyên gia khẳng định, thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế trong việc bán nhà theo Nghị định 61 hay Nghị định 34, bởi không đảm bảo công bằng cho người mua nhà tại các địa bàn TP. Hà Nội với Tp.HCM và các tỉnh miền Nam. Theo đó, tại Hà Nội, người mua nhà chỉ có thể mua được vài chục m2, do diện tích mà người dân được sử dụng là nhỏ, trong khi đó tại Tp.HCM và các tỉnh miền Nam, người mua nhà có thể mua được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn m2, do diện tích được sử dụng lớn.

Thời gian qua cho thấy, tại Tp.HCM việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước của các cơ quan chức năng khá chậm, lý giải nguyên nhân này, TP cho rằng do phải chờ ý kiến của Thủ tướng chấp thuận cho Tp.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, vận hành nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nếu theo chủ trương của Nhà nước và khía cạnh pháp lý, thì Tp.HCM đã không đúng khi kéo dài quá trình bán nhà của Nhà nước theo quy định hiện hành. Mặc dù vậy, việc Tp.HCM đã đảm bảo tránh thất thoát cho Nhà nước khi chủ động đề xuất và có công văn chỉ đạo chỉ bán diện tích nhà sở hữu nhà nước theo hạn mức 20m2/người theo Nghị định 61, phần còn lại bán theo giá thị trường. Đồng thời theo thực tế, hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho riêng Tp.HCM thực hiện chủ trương này với mục đích đảm bảo tính công bằng cho toàn xã hội.

Thêm vào đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng nhấn mạnh, cách làm của Tp.HCM là rất hợp lý và cần được đưa vào Nghị định cụ thể Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, từ đó thể chế hóa và áp dụng cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước, bởi diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước ở mỗi nơi là khác nhau và việc tạo lập nhà ở xã hội vẫn tiếp tục diễn ra trong những năm tới.

Tiếp tục tạo lập nhà ở từ nguồn ngân sách nhà nước

Tại các nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển hàng đầu như Nhật Bản, một trong những chính sách an sinh xã hội hàng đầu là tạo dựng nhà ở từ nguồn ngân sách nhà nước. Bởi vậy, điều này là vô cùng vần thiết để thực hiện an sinh xã hội với một nước đang phát triển như Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, tại Việt Nam, trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, chúng ta đã xây được những khu nhà ở như: Nguyễn Công Trứ, Nam Thanh Xuân, Giảng Võ, Bắc Thanh Xuân. Cho đến nay, chúng ta cần tiếp tục xây dựng nhà ở để thực hiện an sinh xã hội bởi đã có điều kiện hơn rất nhiều. Với những đội ngũ cán bộ, công chức, sỹ quan quân đội không có đủ điều kiện để mua nhà ở thương mại, thì cần thiết có sự tiếp tục tham gia của Nhà nước vào việc này.

Đồng thời, với mục đích giảm áp lực tối đa cho nguồn ngân sách nhà nước trong tạo dựng nhà ở, việc tạo lập các quỹ phát triển nhà ở tiếp tục được khuyến khích thành lập và cần thiết có hướng dẫn trong Nghị định cụ thể Luật Nhà ở áp dụng tới đây. Quỹ này là tổ chức tài chính nhà nước, thực hiện theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái, vốn tiết kiệm của người có nhu cầu mua, thuê và các nguồn vốn khác.

(Theo Báo Xây dựng Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu