Giải quyết tranh chấp đất với hàng xóm khi xây nhà

  14/10/2015 - 11:46

Hỏi: Gia đình tôi sở hữu mảnh đất 182m2 (26mx7m). Vì là đất phân lô do xã bán nên gia đình bên cạnh cũng có một mảnh như vậy. Tuy nhien, khi xây nhà, với lý do thiếu đất nên hàng xóm đã có hành vi lấn chiếm đất sang nhà tôi. Tôi có tạo điều kiện cho âm 3cm để họ đổ móng và họ hứa ở trên sẽ giật tường vào để trả lại đúng phần đất.

Vậy nhưng, họ lại tiếp tục xây lấn tường sang 10cm. Tôi có ngăn cản và thông báo nếu tiếp tục thì sẽ kiện song họ vẫn ngoan cố, thậm chí còn mở tường lấn thêm dựng dàn giáo trên đất của tôi.

Xin hỏi luật sư, hành vi trên của hàng xóm có vi phạm pháp luật không? Rất mong được luật sư tư vấn giúp.

Chân thành cảm ơn!

cuongtm@...

tranh chấp đất đai
Trong việc hòa giải tranh chấp đất đai, nếu một trong các bên tranh chấp vắng
mặt đến lần thứ 2 thì được coi là hòa giải không thành. (Ảnh minh họa).

Trả lời:

Dựa theo những thông tin mà bạn cung cấp thì nhà hàng xóm đã có hành vi lấn đất của gia đình bạn. Theo đó, hành vi lấn đất là một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Đất đai năm 2013 và có thể bị phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng, đồng thời bị buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm hoặc buộc trả lại đất đã lấn căn cứ theo Khoản 3, Khoản 5 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP.

Đối với trường hợp cụ thể của bạn, có thể xử lý theo cách sau đây:

Gia đình bạn và hàng xóm nên tự hòa giải với nhau trước và căn cứ các tài liệu chứng minh diện tích đất gia đình hàng xóm đang xây dựng là thuộc sở hữu của gia đình bạn.

Trong trường hợp không hòa giản được, bạn gửi đơn đến UBND xã nơi có đất đang tranh chấp (theo quy định tại Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 và Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP). UBND xã sẽ thẩm tra và xác minh hiện trạng sử dụng đất. Cơ quan này sẽ tiến hành tiếp tục hòa giải thông qua Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai. Theo quy định, việc hòa giải được thực hiện trong vòng 45 ngày kể từ khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai và chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Nếu một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ 2 thì được coi là hòa giải không thành.

Còn nếu hòa giải tại Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai không thành bạn có thể khởi kiện tại TAND theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tới UBND cấp huyện (quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013).

Bạn cần chuẩn bị hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai với các loại giấy tờ sau:

- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

- Trích lục hồ sơ, bản đồ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;

- Các biên bản: Biên bản hòa giải tại UBND cấp xã; làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; cuộc họp các ban ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;

- Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành công.

Luật sư Lê Thị Phương Uyên
(Công ty luật TNHH Đất Luật)

(Theo CafeLand)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu