Hỏi: Vợ chồng tôi có hai đứa còn (con lớn tên L, con nhỏ tên H) và vợ tôi đã qua đời vào năm 2005. Để tạo điều kiện cho đứa con lớn trong việc kinh doanh buôn bán, tôi và H đã lập giấy thỏa thuận đồng ý để con lớn quản lý căn nhà mặt phố (1 trệt 1 lầu).
Về sau, L nói muốn quản lý được phải làm hợp đồng tặng cho nhà. Dĩ nhiên, tôi đã đồng ý bởi đơn giản nghĩ rằng con giữ nhà giùm mình. Thế nhưng, sau đó L đã đuổi tôi và đứa em của nó ra khỏi nhà.
Xin hỏi luật sư, tôi có thể hủy bỏ hợp đồng tặng cho nhà được không?
Trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Thuận (Phú Nhuận, Tp.HCM)
Nếu một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hay bị đe dọa thì có quyền
yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. (Ảnh minh họa).
Trả lời:
Pháp luật quy định, những người thuộc diện hưởng thừa kế có quyền lập biên bản thỏa thuận phân chia di sản. Ban đầu, ông và người con thứ hai (H) làm giấy thỏa thuận để cho người con lớn (L) quản lý nhà thì L chỉ có quyền quản lý. Tuy nhiên, khi ông lập hợp đồng tặng cho nhà là ông đã chuyển quyền sở hữu của mình cho L, do đó L có toàn quyền quyết định căn nhà này.
Mặt khác, việc quản lý nhà và sở hữu nhà là hoàn toàn khác nhau. Cũng có thể L đã cố ý để cho ông và người con thứ hai (H) hiểu sai lệch về việc quản lý nhà và chủ sở hữu nhà. Thế nên, ông mất quyền sở hữu và người con thứ hai cũng mất quyền thừa kế nhà do bị lừa dối.
Theo quy định tại Điều 132 Bộ Luật Dân sự 2005: Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hay bị đe dọa thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Hành vi lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về tính chất, chủ thể của đối tượng hay nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Chính vì thế, ông và người con thứ hai cần làm đơn khởi kiện để yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho nhà do bị lừa dối nói trên.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi