Hỏi: Ông bà tôi có để lại di chúc cho bố tôi một mảnh đất nhưng vẫn để tên của ông bà. Nay bố tôi muốn sang tên sổ đỏ trực tiếp cho anh tôi. Vậy xin hỏi luật sư, hồ sơ và thủ tục sang tên sổ đỏ như thế nào?
Chân thành cảm ơn!
minhan@...
Thủ tục, hồ sơ sang tên sổ hồng, sổ đỏ như thế nào? (Ảnh minh họa)
Trả lời:
Theo thông tin mà bạn cung cấp, chung tôi chưa rõ là ông bà để lại di chúc hợp pháp hay không và đã có hiệu lực hay chưa. Pháp luật hiện hành quy định, di chúc hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện sau:
Người lập di chúc sáng suốt, minh mẫn trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Điều 643 quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc:
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Tổ chức, cơ quan được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Nếu có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều tổ chức, cơ quan được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến tổ chức, cơ quan, cá nhân này không có hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 644, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Cụ thể:
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, nếu họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó:
- Con chưa thành niên, mẹ, cha, chồng, vợ;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Nếu ông bà nội bạn mất có để lại di chúc và di chúc đó hợp pháp thì di sản thừa kế được chia theo di chúc, ngoại trừ trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Theo đó, mảnh đất vẫn do ông bà bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trước tiên cần thực hiện sang tên sổ đỏ để bố bạn đứng tên. Cần tiến hành khai nhận di sản thừa kế để sang tên quyền sử dụng đất do thừa kế. Bố bạn và những người thuộc hàng thừa kế cần mang theo các giấy tờ sau khi thực hiện khai nhận di sản:
- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;
- Dự thảo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản;
- Bản sao giấy tờ tùy thân;
- Bản sao giấy tờ liên quan đến việc công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
- Giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trong khi đó, đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật: Người yêu cầu công chứng phải xuất trình Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Sau khi làm xong thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại phòng công chứng, có biên bản thỏa thuận phân chia di sản, bố bạn và các hàng thừa kế khác từ chối nhận di sản. Với biên bản thỏa thuận phân chia di sản, anh trai và bố bạn liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)