Hỏi: Năm 2000, mẹ tôi qua đời mà không để lại di chúc cho con cháu. Anh chị em tôi đã đồng ý để anh trai được ở căn nhà của mẹ để lo thờ cúng. Sau đó, tháng 5/2015 anh trai tôi tự ý bán căn nhà mà không có sự đồng thuận của các anh chị em chúng tôi. Vậy xin hỏi luật sư, theo pháp luật về thừa kế thì anh chị em chúng tôi phải giải quyết vấn đề này ra sao?
Trân trọng cảm ơn!
Hồ Thị Thu Thanh (TP Biên Hòa, Đồng Nai)
Người quản lý di sản thờ cúng không được tự ý bán tài sản nếu chưa được
những người thừa kế đồng ý bằng văn bản. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 760 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, nếu người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng. Đồng thời, Khoản 1 Điều 638 BLDS quy định về người quản lý di sản thờ cúng là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
Căn cứ vào Điểm b Khoản 1 Điều 639 BLDS quy định nghĩa vụ của người quản lý di sản như sau: Bảo quản di sản và người quản lý di sản không được bán, tặng cho, trao đổi, thế chấp, cầm cố và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản.
Như vậy, theo những quy định nêu trên, anh trai của bà (người được các đồng thừa kế giao quản lý di sản) đã làm trái quy định của pháp luật về thừa kế di sản. Đây là vụ việc dân sự, theo đó quyền và lợi ích hợp pháp của bà và các đồng thừa kế đã bị xâm hại.
Thế nhưng, anh trai của bà là người trong gia đình, cho nên các anh em nên ngồi lại với nhau bàn bạc, thương lượng để tránh gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tình cảm anh em. Trong trường hợp không thương lượng được, thì bà hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng có quyền khởi kiện người anh trai ra tòa án có thẩm quyền để được giải quyết vụ việc này.
Luật gia Nguyễn Văn Khôi