Trong một số trường hợp đặc biệt hoặc bất khả kháng không kịp sử dụng di chúc bằng văn bản (loại di chúc có giá trị chứng cứ cao), việc phân chia tài sản vẫn được thực hiện bằng “di chúc miệng” (bằng lời nói). Vậy di chúc miệng có hiệu lực về pháp lý hay không và có thể sử dụng làm căn cứ để giải quyết những tranh chấp di sản thừa kế?
Tháng 12 năm ngoái, mẹ anh Hà (quận 7, TP.HCM) thấy không khỏe nên đã tổ chức cuộc họp gia đình với sứ có mặt của bà và ba người con (trong đó có anh Hà và 2 chị gái) cùng một người họ hàng. Tại cuộc họp này, mẹ anh nói do anh Hà là người trực tiếp chăm sóc bà lúc ốm đau nên căn nhà căn nhà sẽ để lại cho anh, sau khi bà mất. Tuy nhiên, sau khi mẹ anh qua đời, 2 người chị gái của anh Hà lại muốn tranh chấp và không đồng ý để anh được thừa kế căn nhà. Họ cho rằng khi mẹ mất không để lại di chúc bằng văn bản nên di chúc bằng miệng trong cuộc họp gia đình cũng không được công nhận và tài sản phải được chia đều. Điều này có được phép không?
|
Di chúc miệng có hiệu lực về pháp lý nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện. Ảnh minh họa: Internet |
Di chúc theo quy định của pháp luật hiện hành có thể được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Tuy nhiên, dù với hình thức nào thì di chúc cũng cần đảm bảo đủ những điều kiện do Luật định thì mới có hiệu lực.
Tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.
Do đó, chỉ khi thực sự cấp thiết do bị bệnh hoặc những nguyên nhân khác không thể lập di chúc bằng văn bản thì việc lập di chúc miệng mới được công nhận. Vậy nên, có thể chấp nhận trường hợp lập di chúc miệng của mẹ anh Hà. Song, để di chúc miệng thực sự có hiệu lực thì sẽ buộc phải thỏa mãn 3 điều kiện dưới đây:
- Phải có ít nhất 2 người làm chứng cho di chúc miệng và người làm chứng không được là người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người lập di chúc. Người làm chứng cần phải đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự nhưng không có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc. Vậy nên, di chúc miệng của mẹ anh Hà đã không đáp ứng được ngay từ điều kiện có hiệu lực thứ nhất. Nguyên nhân là bởi chỉ có duy nhất 1 người làm chứng có đủ điều kiện xuất hiện trong cuộc họp gia đình để công bố di chúc miệng đó, trong khi theo quy định của pháp luật phải cần ít nhất 2 người làm chứng.
- Sau khi nghe di chúc miệng, những người làm chứng phải ghi chép lại và cùng kí tên/điểm chỉ vào văn bản đó.
- Công chứng, chứng thực di chúc đó trong vòng 5 ngày từ khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng.
Như vậy, dựa trên những thông tin anh Hà cung cấp, di chúc miệng của mẹ anh thực tế không đáp ứng được những yêu cầu về tính hợp pháp của di chúc miệng. Bởi vậy, di chúc này không có hiệu lực và nếu không có di chúc văn bản, 2 người chị gái của anh có quyền đòi phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Lúc này, anh Hà và 2 chị gái đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên căn nhà sẽ được chia đều cho cả 3 người.