Hỏi: Xin hỏi luật sư, tôi đang sở hữu ngôi nhà bố mẹ để lại nhưng muốn chuyển nhượng cho em trai thì làm thế nào để giảm chi phí thấp nhất về thuế?
(Đỗ Duy Nam)
Trả lời:
|
Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ được miễn lệ phí trước bạ |
Căn cứ vào quy định của pháp luật, bạn phải đóng lệ phí trước bạ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định, nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vì vậy, miễn lệ phí trước bạ đối với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trong trường hợp của bạn, có thể làm hợp đồng tặng cho tài sản là bất động sản cho em bạn để có thể không phải chịu mất một khoản lệ phí trước bạ.
Tại Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tặng cho bất động sản như sau:
“1. Tặng cho bất động sản phải lập thành hợp đồng có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.
Việc tặng cho cần được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Với trường hợp này, bạn đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên để sang tên thửa đất cho em bạn nên chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Còn quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, bạn cần nộp lên văn phòng đăng ký đất đai hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện một bộ hồ sơ bao gồm:
- Hợp đồng, văn bản về việc tặng cho quyền sở hữu đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Giấy tờ khác như chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)