Hiện nay, nhiều người Việt đang ngày càng quan tâm đến các thị trường nước ngoài như EU, Mỹ, Singapore và nhất là Australia thay vì đầu tư bất động sản trong nước.
Theo tờ The Australia, tại quốc gia này, số lượng di dân đến từ châu Á đang ngày càng tăng lên. Trong đó, Việt Nam là quốc gia châu Á có số lượng người sống ở Australia lớn thứ 4 với khoảng 219.000 người. Mặt khác, Việt Nam cũng là 1 trong 4 nước có số du học sinh nhiều nhất tại Australia.
Gia tăng các hội thảo về đầu tư bất động sản tại Australia. (Ảnh minh họa: Getty)
Hội thảo tư vấn mua nhà đất tại Australia nở rộ
Thực tế cho thấy, không khó để tìm kiếm một hội thảo tư vấn đầu tư bất động sản Australia tại các thành phố lớn Tp.HCM và Hà Nội. Đồng thời, thông tin quảng cáo tư vấn đầu tư bất động sản tại quốc gia này cũng nở rộ trên các trang mạng.
Chủ một văn phòng môi giới nhà đất tại Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội), anh Nguyễn Minh cho hay, anh thường xuyên hợp tác với các công ty môi giới tổ chức hội thảo tư vấn mua nhà tại Australia. Những hội thảo này đều được đầu tư kỹ lưỡng và tổ chức tại các khách sạn lớn. Thông qua vé mời, hội thảo hạn chế số người tham dự về mặt danh nghĩa. Trong khi đó, đơn vị tổ chức lại mong muốn càng nhiều người biết đến càng tốt, do đó vé mời chỉ mang tính tăng giá trị chương trình.
Thành phần chủ yếu tham gia hội thảo là những người giàu, có địa vị xã hội, có vị trí tại doanh nghiệp lớn,… Theo anh Minh: “Các công ty thường bằng cách nào đó có danh sách thông tin khách hàng, sau đó gọi điện chăm sóc và kết thúc bằng một buổi hội thảo tư vấn trực tiếp".
Giảng viên một đại học lớn ở Hà Nội, chị Thu Hồng chia sẻ, chị cũng làm thêm nghề tay trái là tư vấn mua nhà ở Australia. Lúc đầu chỉ hỗ trợ học sinh xin học bổng du học, sau đó mở rộng ra làm thủ tục xin visa và thị trường địa ốc. Bằng các mối quan hệ của mình, chị Hồng gom khách hàng có nhu cầu rồi kết nối với các công ty môi giới, mời khách hàng tham dự các hội thảo.
Người Việt có nhu cầu mua nhà đất nước ngoài khá cao
Chị Hồng nhận định, hiện nhu cầu đầu tư mua bất động sản của người Việt Nam tại Australia là có thật và tương đối cao. Theo môi giới này: “Nhiều gia đình có con du học tại Australia sau đó ở lại, không về nước nên tìm cách mua nhà định cư. Một số người khác thì mua để đầu tư, có người lại mua theo dạng căn nhà thứ hai, song song với nhà tại Việt Nam”.
Phụ trách bán hàng của một công ty môi giới ở Hà Nội, anh Lâm Hoàng thông tin, công ty anh có khoảng 7-10 giao dịch mua nhà ở nước ngoài thành công mỗi tháng. Con số này đang ngày một gia tăng. Thông thường, giá trị mỗi giao dịch khoảng 2-4 triệu USD (45-90 tỷ đồng).
Anh Bùi Nguyễn, môi giới địa ốc người Việt sinh sống tại Australia chia sẻ, anh thường xuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho người có nhu cầu trong nước tìm mua nhà.
Ngày càng nhiều người Việt quan tâm đến việc mua nhà tại Australia, anh Bùi Nguyễn cho hay. Gần 40% dân số người nhập cư tại các thành phố lớn của Australia hiện nay. Người di cư chiếm 36-39% dân số tại Melbourne, Sydney và Perth. Trong số này, người Việt Nam chiếm phần lớn.
Người Việt Nam chọn mua nhà ở Australia để định cư lâu dài. (Ảnh: AFR)
Anh Bùi Nguyễn cho biết thêm, người Việt chủ yếu chọn các dự án căn hộ cao tầng, biệt thự, nhà xây mới ở thành phố lớn. Đặc biệt, Sydney và Melbourne được ưa chuộng nhất. Các thành phố phía Tây Nam Australia đang dần được chú ý nhiều hơn. Người Việt Nam và Trung Quốc dẫn đầu trong các giao dịch bất động sản tại đây, theo thống kê của chính quyền bang Victoria.
Mua nhà tại Australia - Đầu tư không dễ ăn
Anh Bùi Nguyễn cho rằng, trước khi đầu tư vào địa ốc Australia, người Việt nên tìm hiểu kỹ lưỡng. Để ngăn chặn giá bất động sản tăng cao, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, nhất là giới trẻ có cơ hội mua nhà để ở, hiện chính phủ Australia siết chặt quy định đầu tư nước ngoài vào nhà đất.
Theo đó, trước khi mua bất động sản, người nước ngoài tạm trú tại Australia sẽ được tuyển chọn kỹ và phải có giấy phép của cơ quan kiểm soát đầu tư ngoại quốc (FIRB). Đồng thời, khi rời khỏi Australia, người nước ngoài phải bán bất động sản đó.
Mặt khác, người mua đất trong 2 năm không xây nhà cũng phải bán lại. Đối với sinh viên du học tại Australia, quy định này cũng có hiệu lực. Giới chức trách Australia có thể buộc những người không sống ở đây bán nhà đất và thu hồi tiền lãi của những nhà đầu tư vi phạm thỏa thuận khi mua.
Trong khi đó, những người nước ngoài không có visa Australia chỉ được phép mua nhà mới hoàn toàn hoặc nhà dự án đang trong quá trình xây cất (off-the-plan).
Cùng với đó, chính phủ Australia cũng tăng phí phụ thu thuế đối với người mua nhà là người nước ngoài từ 3% lên 7%. Phí phụ thu trong trường hợp chủ đất vắng mặt cũng sẽ tăng từ 0,5% lên 1,5% kể từ năm 2017.