Trái ngược với không khí trầm lắng của TP.HCM, thị trường bất động sản tại các tỉnh giáp ranh đang bứt phá mạnh mẽ với hàng loạt dự án quy mô khủng được ra hàng trong năm 2019.
Theo thông tin từ ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó giám đốc CBRE, thị trường nhà đất TP.HCM diễn biến chậm, sản phẩm nhà ở khan hiếm, nguồn cung nhỏ giọt, thanh khoản kém suốt từ đầu năm 2019 cho đến nay. Thực tế này đã dẫn đến sự leo thang về giá bán ở tất cả các phân khúc nhà ở. Trong đó, phân khúc hạng sang tăng tới 40%. Giá bán tăng mạnh cũng đồng nghĩa với áp lực lãi vay tăng lên, tỷ suất sinh lời từ đầu tư cho thuê không còn hấp dẫn đã khiến các chủ đầu tư rời bỏ thị trường ở khu trung tâm để chuyển hướng về khu vực các tỉnh giáp ranh Sài Gòn.
Những thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ về nguồn cung nhà ở gồm có Bình Dương, Long An, Đồng Nai, thậm chí là cả Bình Phước. Những dự án nhà phố của các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm và rõ ràng về pháp lý đang được nhà đầu tư ưa chuộng nhất.
Ông Kiệt nhận định: "Trước đây, việc lựa chọn sản phẩm dựa vào vị trí và hạ tầng. Hiện nay xu hướng có thay đổi. Vị trí, pháp lý và uy tín là yếu tố cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư".
|
Thị trường bất động sản các tỉnh lân cận Sài Gòn đang bứt phá mạnh mẽ. Ảnh: Quỳnh Trần |
Cùng chung nhận định với ông Kiệt, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam Phạm Lâm đánh giá, nguồn cung bất động sản TP.HCM trong 3 quý đầu năm 2019 có sự sụt giảm mạnh so với năm trước. Bước sang quý 4, nguồn cung bắt đầu có tín hiệu cải thiện khi chính quyền địa phương côn bố danh sách các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Song, thời gian chính xác để nguồn cung thị trường bất động sản TP.HCM phục hồi lại rất khó có thể đoán định. Trước tình hình này, các thị trường đang bổ trợ nguồn cung lớn cho khu trung tâm chính là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, một vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm quan sát và thực chiến thị trường địa ốc các tỉnh giáp ranh Sài Gòn cho rằng, không phải quỹ đất tại đô thị có hơn 10 triệu dân đang cạn kiệt như suy nghĩ của nhiều người. Quỹ đất tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh hiện vẫn còn nhiều nhưng đa phần là đất nông nghiệp.Tuy hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội tại các khu vực này còn nhiều hạn chế nhưng giá nhà đất lại vọt lên mức khá cao, vượt qua khả năng tài chính của đa số người dân, trở thành rào cản lớn đối với những dòng vốn nhỏ.
Với ưu điểm còn nhiều quỹ đất, giá cả thấp trong khi cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang là những địa bàn thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư cũng như người mua để ở. Xu hướng này được đánh giá sẽ còn diễn tiếp trong vài năm tới đây.
Ông Khương cho rằng, việc mua đất có diện tích nhỏ tại các khu vùng vem được xem là lựa chọn phù hợp đối với nhà đầu tư cá nhân vốn khiêm tốn về nguồn lực tài chính. Bởi, nhà đất có diện tích nhỏ sẽ có tính thanh khoản cao do nằm trong khả năng chi trả của đại đa số người mua. Bất động sản nằm ở khu vực giáp ranh TP.HCM thường duy trì được giá nhờ có các nguồn thu đến từ việc làm nhà xưởng, xây phòng trọ cho thuê.
Trên thực tế đã có rất nhiều người có sẵn nguồn vốn vài trăm triệu đã đổ vào đất nền khu vực lân cận Sài Gòn và thu về vài tỷ đồng chỉ sau 3-5 năm. Những người này sau đó lại dịch chuyển hướng đầu tư về lại khu trung tâm. Còn với những nhà đầu tư có tổ chức vốn sở hữu tầm nhìn dài hạn, đã tiên đoán được trước tốc độ hoá đô thị mạnh mẽ tại các khu vực vùng ven nên hiện đang sở hữu tới hàng trăm ha đất vùng ven để triển khai các dự án.
Tuy nhiên, ông Khương cũng lưu ý, hạ tầng kỹ thuật dù được xem là yếu tố đòn bẩy tạo nên sự tăng giá bất động sản, nhưng các yếu tố để thu hút người dân dịch chuyển về lại là hạ tầng kinh tế, bệnh viện, trường học... Do đó, các nhà đầu tư cần lưu ý điều này để tránh gặp phải rủi ro trong kinh doanh như các "đô thị ma" đã xuất hiện trước đó.
Vị chuyên gia khuyến cáo: "Đầu tư bất động sản tại các vùng ven là một hướng đi được những nhà đầu tư có nguồn vốn ít. Tuy nhiên, trước khi xuống tiền khách hàng nên tìm hiểu kỹ quy hoạch, hạ tầng giao thông - xã hội và cân nhắc dòng vốn để có cái nhìn toàn diện nhất nhằm tránh rủi ro."