Trong những ngày đầu tháng 3/2019, giá bất động sản Cần Giờ rục rịch gia tăng khi giới đầu tư ồ ạt đổ về đây săn tìm nhà đất. Xu hướng đầu tư ăn theo diễn biến hạ tầng này đã tồn tại ở Sài Gòn nhiều thập kỷ qua.
Mới đây, chính quyền Tp.HCM đã chọn và công bố phương án thiết kế kiến trúc cho cầu Cần Giờ sau một thời gian dài dự án chỉ dừng lại ở mức khởi động. Có thể nói, động thái này đã hâm nóng thị trường địa ốc nơi đây vốn thiếu hụt thông tin hỗ trợ tích cực trong 6-9 tháng qua.
Theo phương án thiết kế được công bố, cầu Cần Giờ là cầu dây văng 1 trụ tháp lấy ý tưởng từ hình tượng cây đước đặc trưng của huyện đảo này. Cầu Cần Giờ sẽ thay thế phà Bình Khánh, kết nối huyện đảo với trung tâm Tp.HCM. Tổng kinh phí xây dựng cầu dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng. Thông tin này tuy mới chỉ ở giai đoạn tiền chuẩn bị nhưng vẫn ảnh hưởng nhất định tới giới đầu tư bất động sản Cần Giờ.
Thực tế cho thấy, vào cuối tuần, rất nhiều nhà đầu tư đã tới thăm dò mua đất ở nhiều xã thuộc huyện Cần Giờ. Đặc biệt, sự quan tâm của các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào 2 xã Bình Khánh (kết nối trực tiếp với cầu Cần Giờ) và xã Cần Thạnh (nơi kết nối mô hình siêu đô thị biển với tâm huyện đảo).
Bất động sản Cần Giờ rục rịch tăng giá từ đầu tháng 3/2019. Trong ảnh:
Phối cảnh thiết kế cầu Cần Giờ từng được Tp.HCM chọn.
Đất nông nghiệp xen lẫn thổ cư và đất hỗn hợp nuôi trồng thủy sản là loại hình bất động sản được các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư theo nhóm có dòng vốn từ chục tỷ đồng trở lên ưa chuộng. Trong khi đó, khách lẻ chủ yếu săn tìm nhà liền thổ hoặc đất thổ cư có giá trên dưới 3 tỷ đồng.
Tuy vậy, do hai bên mua - bán không gặp nhau nên thị trường không có quá nhiều giao dịch đột biến. Trung bình cứ 10 thương vụ ngã giá, thương lượng chỉ có 3 giao dịch thành công.
Dù lượng nhà đầu tư đổ về huyện Cần Giờ đang gia tăng song các vụ mua hụt, bể kèo cũng tăng mạnh bởi bên bán đổi ý, tăng giá sản phẩm, thậm chí là giữ hàng lại. So với hồi tháng 3-4/2018 - thời điểm sốt đất Cần Giờ, diễn biến của thị trường hiện nay có phần khác lạ.
Theo các môi giới địa phương tại Cần Thạnh và Bình Khánh, mức tăng giá trung bình của bất động sản Cần Giờ từ tháng 1 đến đầu tháng 3 đạt 10-12% nếu lấy cột mốc từ trước Tết Cổ truyền 2019 tới nay. Xét trong ngắn hạn khoảng 2-3 tháng, mức biên lợi nhuận này được xem là hấp dẫn nhưng vẫn kém hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi về thực trạng bất động sản Cần Giờ, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, việc UBND Tp.HCM công bố lựa chọn phương án thiết kế cầu Cần Giờ đối với giới đầu tư địa ốc không còn là thông tin mới mẻ. Thế nhưng, xét trong phạm vi địa bàn nhỏ, chưa phát triển và còn tách biệt như huyện đảo này thì mọi diễn biến liên quan tới dự án cầu Cần Giờ đều khiến dân đầu tư nhà đất có động thái đón cú hích hạ tầng.
Trong vài ba tháng trở lại đây, với cú hích tâm lý nói trên, bất động sản Cần Giờ tăng giá không quá 15%. Chưa kể, huyện Cần Giờ cũng là một trong những vùng trũng có mặt bằng giá đất thấp nhất Sài Gòn nên còn nhiều tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Ông Quang cho rằng, huyện đảo Cần Giờ có đủ điều kiện để trở thành hậu phương phát triển đô thị sinh thái "độc nhất vô nhị" của Tp.HCM. Ưu điểm lớn của Cần Giờ là địa thế tựa rừng hướng biển, lại được nhiều đại gia phát triển đô thị nhắm tới. Tuy nhiên, Cần Giờ cần kiểm soát quy hoạch theo hướng phát triển bền vững và đầu tư hạ tầng mạnh hơn nữa.
Theo chuyên gia này, xu hướng săn nhà đất tại Cần Giờ xét về dài hạn không thuần túy ăn theo cầu Cần Giờ kết nối trung tâm Sài Gòn mà còn nằm ở sự kỳ vọng về mô hình phát triển đô thị lấn biển trong tương lai.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định: "Xu hướng đầu tư bất động sản từ lúc thị trường kém phát triển, chỉ mới ở trạng thái tiềm năng, thường được các nhà đầu tư tổ chức ưa chuộng và đi trước một bước. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chơi dễ dàng đối với nhà đầu tư lướt sóng, vốn mỏng".