Nhiều dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng mới và triển vọng sẽ gia nhập thị trường trong vòng 10 năm tới, trong bối cảnh nhu cầu lưu trú không ngừng gia tăng.
Số liệu thống kê của Trung tâm dữ liệu hàng đầu trong ngành khách sạn toàn cầu - STR cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2016, hoạt động kinh doanh ngành khách sạn tại Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho thấy mức tăng tích cực so với cùng kỳ năm 2015, với mức công suất phòng tăng 1.7%, đạt 66.6% trong khi mức giá phòng trung bình ngày (ADR) vẫn duy trì ở mức ổn định, chỉ số RevPAR (doanh thu trên mỗi phòng có sẵn) tăng trung bình 1.5% lên US$69.93.
Phân khúc BĐS du lịch đón nhận nhiều dự án mới gia nhập thị trường.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Hiện Việt Nam đang dẫn đầu về mức độ tăng trưởng với công suất phòng tăng 5.6%, đạt mức 68.7% và ADR tăng 4.5%, đạt US$129.67 trong phân khúc cao cấp. Cụ thể, giá phòng trung bình ngày ADR của Việt Nam được ghi nhận ở mức kỷ lục từ trước đến nay, dẫn đến RevPAR trong phân khúc khách sạn 4-5 sao tăng trưởng ở mức 2 con số (+10.3%), đạt US$88.98.
Theo nguồn tin của Tổng Cục Du Lịch Việt Nam (VNAT), trong quý đầu năm, Việt Nam đã đón gần 108,750 lượt du khách Nga, tăng 13.5% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia phân tích của STR cho rằng, nhờ các chính sách nới lỏng thị thực của Chính phủ Việt Nam, đất nước này đang được xem là một điểm đến an toàn hơn cho du khách Nga so với các địa điểm du lịch truyền thống khác.
Giám Đốc Điều Hành Công ty Alternaty Việt Nam, ông Mauro Gasparotti nhận định, ngành khách sạn của Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu trong chặng đường dài phát triển. Việt Nam được xem là điểm đến du lịch hàng đầu đối với những du khách nghỉ dưỡng theo mùa và ưa thích khám phá các giá trị văn hóa trong những năm qua. Hiện Việt Nam dần được biết đến như một điểm đến du lịch quốc tế với khí hậu thuận lợi, nhiều bãi biển, văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú cũng như các tiện nghi đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cho các du khách nước ngoài.
Ông Mauro Gasparotti đánh giá: “Với việc mở rộng các sân bay quốc tế, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, nhiều khách sạn và các tiện ích giải trí có chất lượng tốt hơn, Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến thay thế tuyệt vời so với các điểm đến du lịch lâu đời khác như Malaysia hay Thái Lan”.
Thống kê lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của VNAT tính từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 5 năm nay cho thấy, Việt Nam đã đón gần 3,248,634 lượt khách quốc tế, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 17,8%, lượng du khách nhiều nhất đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời, nguồn cầu du khách nội địa trong năm 2015 cũng thể hiện mức tăng trưởng rõ rệt, tăng 48%, từ 38.5 triệu lượt năm 2014 lên đến 57 triệu lượt trong năm 2015.