Bất động sản thiếu sản phẩm phù hợp cho phân khúc cao cấp

  19/12/2014 - 08:24

Trong khi nhiều dự án vẫn trong tình trạng ảm đạm, đóng băng, thì có không ít nhà đầu tư lớn lại thành công khi phát triển các dự án nhà ở cao cấp.

Trong khi nhiều dự án vẫn trong tình trạng ảm đạm, đóng băng, thì có không ít nhà đầu tư lớn lại thành công khi phát triển các dự án nhà ở cao cấp có vị trí thuận lợi, và quan tâm đến nhu cầu của khách hàng về  hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chất lượng cuộc sống. Ở phân khúc này, nếu đáp ứng tốt các yếu tố trên thì vẫn có đượcnguồn cầu tiềm năng.

Nhiều căn biệt thự, nhà liền kề hiện nay vẫn bất động trong tình trạng bị bỏ hoang, rêu mốc. Thế nhưng vẫn có không ít dự án cao cấp bán được hàng, giao dịch liên tục tăng, điển hình là các căn hộ cao cấp của Vincom như Time City, Royal City, hay dự án Thăng Long Number One, căn hộ Hòa Bình Green City….

Đối với biệt thự, nổi bật là Dự án Khu đô thị cao cấp Xanh Villas thuộc xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội của Công ty TNHH Bất động sản Xuân Cầu. Ông Tô Dũng, Giám đốc Công ty cho biết khu biệt thự cao cấp Xanh Villas hiện đã bán được khoảng 50% và lượng khách hàng quan tâm vẫn không ngừng tăng. Sở dĩ thành công như vậy là do chủ đầu tư đã biết nắm bắt nhu cầu khách hàng, quan tâm tới các hạ tầng kỹ thuật như điện, nước sạch, môi trường, tiện ích công cộng, cảnh quan thiên nhiên nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người mua nhà.

“Đến thời điểm hiên tại, gần 200 biệt thự của Xanh Villas đã có chủ. Ngày 16/11, chúng tôi vừa khởi công cụm các công trình dịch vụ công cộng, công trình bể bơi ngoài trời. Những công trình này sẽ giúp thúc đẩy nhanh chóng việc hình thành cộng đồng cư dân tại Xanh Villas. Đây chính là mục tiêu và là thành công của dự án, ngay cả khi thị trường khó khăn đang ở giai đoạn khó khăn nhất như 2013-2014”- ông Tô Dũng nói.

Theo thống kê của Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, tính hết hết 9 tháng năm 2014 tại Hà Nội, trong tổng số 8900 căn hộ bán ra thì có tới hơn 1000 căn ở phân khúc bất động sản trung cấp và cao cấp có vị trí thuận lợi. Mặc dù không có nhiều những dự án “đắt hàng”, các nhà đầu tư có nguồn lực lớn cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, tuy nhiên sản phẩm nhà ở ra đến đâu là hết đến đó.

Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ tăng thêm cầu cho khu phân khúc bất động sản cao cấp và nghỉ dưỡng. Người mua hiện không chỉ quan tâm đến căn nhà, mà còn lưu ý đặc biệt đến vị trí, cảnh quan môi trường, các tiện ích, dịch vụ như chợ, trường học, siêu thị… Bởi vậy, những dự án ở xa trung tâm, hạ tầng phát triển kém... vẫn cứ ế ẩm dù có liên tục rao bán cắt lỗ,  giảm giá, khuyến mại.

 Theo thống kê, đa số hàng tồn kho nằm ở những khu vực ngoại đô không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nằm chơ vơ giữa cánh đồng, như dọc đường Láng – Hòa Lạc, Hà Nội Theo thống kê, đa số hàng tồn kho nằm ở những khu vực ngoại đô không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nằm chơ vơ giữa cánh đồng, như dọc đường Láng – Hòa Lạc, Hà Nội

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: để giảm dần lượng hàng tồn kho, trước mắt, cần xem xét đầu tư ở các dự án có vị trí thuận lợi. Mặc dù giá bán cao nhưng nếu đẹp và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng cuộc sống thì dự án không lo “ế” hàng: "Trên thực tế thì Vincom có bán được không? Rõ ràng là bán được nhiều và hiện nay khách hàng vẫn mua với tốc độ rất cao. Nhiều dự án thuận lợi với đô thị như dịch vụ công cộng tốt, hạ tầng tốt thì vẫn bán được và còn bán được với giá khá cao. Trong khi đó nhiều chỗ có chào giá hoặc giảm giá cũng không có ai mua. Bởi vậy thị trường hiện nay không phải là thiếu cầu đối với phân khúc giá cao và giá trung bình. Cầu vẫn đang có, chỉ có điều là chưa có những sản phẩm bất động sản phù hợp”.

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đây là một bài học lớn cho các nhà đầu tư vừa thiếu nguồn lực, lại vừa chọn sai địa điểm đầu tư dự án. Đây cũng là hậu quả của thời kỳ phát triển “bong bóng” bất động sản mà Nhà nước và các doanh nghiệp đều phải trả giá đắt: “Khối tồn kho đấy thì bản chất của dự án là đã lựa chọn sai địa điểm. Có 2 vấn đề quan trọng trong bất động sản là tiền và vị trí. Nhưng chủ đầu tư lại chọn những vùng sâu vùng xa như thế, trong khi bản thân nguồn lực để đầu tư hạ tầng trong nội bộ dự án đã kém, rồi đầu tư ngoài dự án tức là các kết nối liên thông thuộc về Nhà nước như mở đường xá, bệnh viện, trường học thì Chính phủ và chính quyền cũng chưa có đủ nguồn lực để làm. Như vậy là chủ đầu tư đã chọn sai. Những dự án như thế sẽ bị chết và bị nằm lại rất lâu”.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong giải quyết hàng tồn kho, chủ yếu là ở phân khúc bất động sản cao cấp. Tuy nhiên, việc nắm được nhu cầu của khách hàng sẽ giúp nhà đầu tư bất động sản lựa chọn đúng hướng đi để phát triển dự án. Thực tế cho thấy, đã hết thời tồn tại của những dự án có địa điểm không hợp lý, còn các nhà đầu tư thì yếu, “ăn sổi ở thì”.

(Theo VOV)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu