Mặc dù từng là tâm điểm cơn sốt đất nền và condotel nhưng thị trường Đà Nẵng lại đang trên đà xuống dốc trong vài tháng gần đây. Số lượng dự án mở bán giảm, kéo theo nhiều sàn giao dịch BĐS đóng cửa, khiến môi giới tháo chạy tìm thị trường mới.
BĐS Đà Nẵng không còn là "miếng bánh ngon"
Theo thông tin của Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 5/2018, địa bàn ghi nhận 41 sàn giao dịch bất động sản có đăng ký. Trong số đó, 8 sàn giao dịch đã ngừng hoạt động. Thanh khoản trên thị trường giảm nhiệt thì việc đóng cửa nhiều sàn giao dịch là hệ quả tất yếu.
Một môi giới có thâm niên tại Đà Nẵng cho biết, trước đây, phân khúc đất nền là điểm nóng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, thị trường chỉ tập trung ở khu Tây Bắc, nơi có một vài dự án đang mở bán. Mức giá ở đây khá rẻ, chỉ khoảng 12 triệu/m2 là có thể vừa sức mua. Nhưng khu vực này mật độ dân cư rất thấp, lại gần khu công nghiệp nên dân bản địa không mặn mà.
|
Dự án ngổn ngang hạ tầng đã rao bán |
Môi giới này tiếp tục đưa ra thông tin, mới cách đây vài tháng, chỉ cần lái ô tô vào khu vực này, môi giới vội bao vây, chào bán dự án đất nền. Tuy nhiên, hiện này, tình thế đảo ngược, môi giới không còn tha thiết như trước, chỉ khi có khách mới dẫn đi.
Tại khu vực Điện Nam - Điện Ngọc, dù thuộc địa bàn Quảng Nam nhưng môi giới thường quảng cáo là đất nền Nam Đà Nẵng để câu khách. Đây là nơi có nguồn cung khủng về đất nền trước đây. Tuy nhiên, thời điểm này chủ yếu là đất nền thứ cấp rao bán lại, thị trường thiếu nguồn hàng mới.
Một trong những “ông lớn” tại thị trường này là Địa ốc First Real hiện không có nhiều hoạt động bán hàng tại Đà Nẵng như thời gian trước. Thay vào đó, doanh nghiệp này đưa quân ra thị trường mới tại Quảng Bình triển khai dự án nghỉ dưỡng. Một thị trường mới cũng được đại gia này quan tâm là Long An. Tuy nhiên, dự án đầu tiên trong lần Nam tiến của First Real vẫn chưa hoàn thành pháp lý để mở bán.
Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro
Giải thích cho sự thoái trào của thị trường địa ốc Đà Nẵng và Quảng Nam thời gian qua, ông Trần Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Trường Phát Investment, chia sẻ, phân khúc đất nền tại đây đã phát triển quá nóng, nên xu hướng điều chỉnh giảm nhiệt là tất yếu. Đây là thị trường mới có nhiều yếu tố để môi giới tạo “bánh vẽ” hút khách. Tuy nhiên, nếu so sánh với những thị trường trước đây như Bình Dương, thì việc vẽ khu đô thị để bán không khó, nhưng người ở đâu về ở mới là bài toán nan giải.
|
Văn phòng môi giới vắng như "chùa bà đanh" |
“Dân đầu tư Đà Nẵng chủ yếu đến từ Hà Nội và một phần nhỏ từ TP.HCM. Với quỹ đất rộng lớn như Điện Nam - Điện Ngọc thì dịch chuyển dân địa phương vào dự án sống sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó, nhà đầu tư thì không có nhu cầu ở. Do vậy, chuyện khu đô thị vẽ hoành tráng nhưng thực tế chỉ là bãi đất hoang là điều khó tránh khỏi. Làm sao bất động sản bỏ hoang có thể gia tăng giá trị? Đây là điều khiến thị trường không bền vững”, ông Dũng phân tích.
Ngoài rủi ro về thanh khoản và giá trị bất động sản thấp, đa phần nhà đầu tư mua đất còn thiếu kinh nghiệm pháp lý. Điều này có thể dẫn đến nhiều tranh chấp về sau khi dự án không ra “sổ đỏ” đúng hẹn cho khách hàng.
Thực tế, nhiều dự án đất nền tại Quảng Nam, Đà Nẵng thời gian qua được rao bán khi chưa đủ điều kiện huy động vốn theo Luật Kinh doanh Bất động sản. Đơn cử như Khu đô thị River View, tại Điện Bàn, Quảng Nam, được quảng cáo mở bán thành công nhiều đợt. Tuy nhiên, thực tế dự án còn chưa san lấp xong mặt bằng, hạ tầng ngổn ngang. Dự án Gami Eco Charm được môi giới rao bán rầm rộ thời gian qua, hiện cũng chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng…
Luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng Văn phòng Luật sư Trường, cho rằng, nhiều chủ đầu tư thiếu uy tín thường lách luật để huy động vốn khi chưa đủ điều kiện. Đã có nhiều dự án trước đây dù bán tốt nhưng chủ đầu tư lấy tiền dự án này đi mua dự án khác, và khi thị trường đi xuống thì dự án bị sập dây chuyền, dẫn đến tranh chấp. Do vậy, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về pháp lý và uy tín, năng lực chủ đầu tư để tránh rủi ro về sau.