Giới phát triển BĐS tại châu Âu đang lo ngại hiện tượng nhiều doanh nghiệp sẽ di chuyển nhân viên ra khỏi Vương quốc Anh, gia tăng nguy cơ dư thừa nguồn cung tại phân khúc BĐS văn phòng London.
Dữ liệu mới được công bố của Deloitte LLP cho thấy, số lượng các dự án văn phòng tại trung tâm London tăng lên mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2016, nhưng tỷ lệ không gian văn phòng được xây dựng bởi các công ty BĐS niêm yết và quỹ tín thác đầu tư BĐS đã giảm đến 31%.
Địa ốc London từng là nơi trú ẩn an toàn đối với các nhà đầu tư. Thế nhưng, việc Vương quốc Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) đã phá vỡ vị thế này của London nói riêng và thị trường BĐS Anh nói chung.
Trong vòng 2 năm tới, giá cho thuê văn phòng tại London có thể giảm 18%. Các chuyên gia tại Jefferies LLC Mike Prew cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia sẽ di chuyển khoảng 100.000 nhân viên ra khỏi Vương quốc Anh sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 vì lo ngại Brexit sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh lẫn vấn đề cư trú của các nhân viên.
Theo BlackRock Inc, giá trị tài sản thương mại có thể giảm khoảng 10% trong năm tới bởi sự sụt giảm giao dịch và tình trạng dư cung tại trung tâm thủ đô nước Anh. Nhu cầu thuê nhà giảm và xu hướng thuê trong thời gian ngắn hạn sẽ xảy ra. Mặt khác, giới đầu tư ngoại sẽ yêu cầu một mức bảo hiểm lớn hơn đối với việc đầu tư sở hữu hoặc thuê lại BĐS để bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro vì bất ổn chính trị, kinh tế tại Vương quốc Anh.
Nhìn nhận tiêu cực về triển vọng kinh tế Anh trong tương lai, không ít ngân hàng tư nhân, hãng tư vấn đang kêu gọi nhà đầu tư nhanh chóng thoát ra khỏi các thị trường tài chính Anh, nhất là London. Ngay lập tức, một số ngân hàng đã di chuyển trụ sở đến các địa điểm khác ở châu Âu.
Giám đốc điều hành JLL, Chris Ireland cho hay: "Tâm lý nhà đầu tư sẽ còn xấu hơn nữa, nhất là trong ngắn và trung hạn. Thị trường địa ốc London có thể bị tổn thương nhiều hơn dự tính vì khu vực này phụ thuộc lớn vào các khách hàng đa quốc gia, là đối tượng nhạy cảm nhất với những thay đổi về chính trị”.
Tuy nhiên, điều tích cực duy nhất tại thời điểm này là sau sự kiện Brexit, lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài hơn, tác động tích cực tới thị trường BĐS.
Nhà tư vấn Henry Chin tại CBRE nhận định: "Chúng ta sẽ thấy số lượng các giao dịch BĐS tăng dần tại Anh theo thời gian nhưng chắc chắn các giao dịch sẽ không vội vàng diễn ra".
Như vậy, Brexit rõ ràng là tin xấu cho các nhà phát triển BĐS tại Anh nhưng lại là tin tốt cho thị trường địa ốc châu Á hiện đang phát triển rất ổn định. Các chuyên gia môi giới dịch vụ BĐS thương mại tại CBRE Group Inc cho rằng, Hong Kong, Singapore và Australia, một số ít các thị trường châu Á đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng thừa cung và giá cao có thể bất ngờ nhận được trợ lực từ Brexit. Vì dòng tiền từ các nhà đầu tư toàn cầu sẽ chạy trốn khỏi chứng khoán và tìm đến các tài sản vật chất an toàn như vàng và nhà đất tại châu Á.
Theo chuyên gia của CBRE :"Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn tại các quốc gia cung cấp dịch vụ đầu tư ổn định. Thị trường BĐS châu Á có thể trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư".
Trong khi đó, Giám đốc Jones Lang LaSalle Inc, Takeshi Akagi đánh giá: "Các chuyên gia kinh tế đều công nhận Nhật Bản hiện là một thiên đường trú ẩn an toàn. Vì thế, nguồn tiền đầu tư trên toàn cầu vốn đang cư trú tại châu Âu sẽ tìm tới các quốc gia châu Á, nhất là Nhật Bản. Hong Kong và Singapore cũng sẽ đón nhận các cơ hội tương tự".