Cấp giấy phép xây dựng khi chuyện đã rồi: Phải chăng dễ dãi?

  27/01/2015 - 11:33

Ở Tp.HCM đang xuất hiện những trường hợp “khó hiểu”: Nhiều công trình xây dựng có quy mô nhiều tầng xây không có giấy phép nhưng không thấy chính quyền xử lý, không những thế, sau khi xây dựng xong lại được “ưu ái” cấp giấy phép xây dựng (GPXD) để hợp thức hóa.

Ưu ái đến đáng ngờ

Công ty CP Đầu tư xây dựng và ứng dựng công nghệ mới (Tecco) xây dựng chung cư Tecco Tower Tham Lương nhưng không có GPXD, vào tháng 8/2014, chính quyền phường Tân Thới Nhất (quận 12) đã phát hiện và buộc đình chỉ thi công. Công trình này gồm 3 block, cao tới 15 tầng, trên khu đất có diện tích rộng 14.600m2. Công trình đã bị đình chỉ thi công tuy nhiên chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho xây dựng. Nhân viên thanh tra xây dựng, cán bộ phường cho biết ngày nào cũng đi kiểm tra địa bàn nhưng không... phát hiện ra. Chỉ khi công trình xây dựng không phép đã “nhô cao” đến tầng thứ 5, diện tích xây dựng cũng tăng lên đến 11.000m2, thì thanh tra xây dựng mới phát hiện ra.

Với trường hợp này, Sở Xây dựng Tp.HCM đã lập biên bản vào ngày 14/10/2014, ra quyết định phạt 40 triệu đồng, và tiếp tục lệnh đình chỉ thi công đối với công trình. Việc thi công một công trình nhà cao tầng, nơi ở của hàng trăm hộ dân trong tương lai nhưng lại không có GPXD là điều không thể chấp nhận được, bởi những nguy cơ rủi ro của nó. Tuy nhiên, vào ngày 21/11/2014, công trình này lại được Sở Xây dựng cấp GPXD trở lại để hợp thức hóa 5 tầng đã xây, thậm chí, cho phép chủ đầu tư tiếp tục xây công trình cao thêm nữa.

Công trình 514 Lê Quang Định xây dựng sai giấy phép, không an toàn khi được sử dụng làm trường học

Một công trình khác là tòa nhà ở 514 Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp) do Trường Trung cấp Tổng hợp Tp.HCM làm chủ đầu tư. Công trình được UBND quận Gò Vấp cấp GPXD để xây nhà ở có cấu trúc kiên cố, quy mô 4 tầng vào tháng 7/2014. Chủ đầu tư đã tự ý thay đổi kết cấu chịu lực, chuyển từ nhà kiên cố sang nhà tiền chế, bán kiên cố trong quá trình xây dựng. Công trình thi công xong nhiều hạng mục thì quận mới cấp GPXD bổ sung. 5 tầng nhà được xây xong với kết cấu sai hoàn toàn so với giấy phép, đáng nhẽ cần được xem xét lại thì vào tháng 9/2014, nhằm  hợp thức hóa cho công trình 5 tầng, quận lại cấp... GPXD mới. Thay cho cương quyết tháo dỡ công trình xây dựng sai phép thì lực lượng thanh tra xây dựng lại chỉ yêu cầu “bổ sung GPXD”.

Bao che?

Đối với chững công trình có quy mô lớn, là nơi ở, làm việc học tập cho hàng ngàn người, thì chủ đầu tư bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định trong lĩnh vực xây dựng. Những thủ tục như thẩm định, phê duyệt thiết kế các hạng mục kỹ thuật, cấp GPXD và tư vấn giám sát, thi công suốt quá trình xây dựng công trình là không thể bỏ qua. UBND Tp.HCM đã kiên quyết tháo dỡ hàng trăm căn nhà xây dựng không phép, sai phép tại quận 9, quận Gò Vấp và huyện Bình Chánh để lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý xây dựng.Thế nên, khi phát hiện công trình cao tầng xây dựng sai phép hoặc không phép mà không xử lý, vẫn cấp GPXD hợp thức hóa thì dư luận sẽ cho rằng, chính quyền quá dễ dãi trong quản lý và có dấu hiệu bao che.

Trong Luật Xây dựng và Nghị định 64 (hướng dẫn về cấp GPXD), GPXD, điều 3 có quy định: Chủ đầu tư phải có GPXD trước khi khởi công xây dựng công trình. Việc cấp GPXD sau khi công trình đã xây dựng là trái quy định.

Nghị định 64 về điều chỉnh GPXD tại điều 10 cũng nói rõ: Trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi các nội dung so với thiết kế đã được cấp GPXD, chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh GPXD trước khi xây dựng theo nội dung điều chỉnh, như: khi thay đổi hình thức kiến trúc các mặt ngoài của công trình; khi thay đổi vị trí, cốt nền, diện tích xây dựng, quy mô, chiều cao công trình, số tầng và các yếu tố khác ảnh hưởng đến yếu tố chịu lực chính; khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng và ảnh hưởng đến phòng cháy chữa cháy, môi trường.

Đáng lưu ý, mỗi công trình chỉ được đề nghị điều chỉnh GPXD đã được cấp một lần, điều chỉnh trước khi thực hiện xây dựng và chỉ được điều chỉnh các hạng mục phụ ảnh hưởng đến yếu tố chịu lực, còn không thể điều chỉnh được hạng mục chịu lực chính.

Chiếu theo các quy định trên thì cả 2 công trình lớn nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng những quy định về quản lý xây dựng. Khi công trình đã xây dựng không phép, sai phép, không đúng kết cấu mà vẫn cấp GPXD mới là trái quy định của Nghị định 64. Cách quản lý dễ dãi này cũng là một hình thức bao che, dung túng cho sai phạm trong lĩnh vực xây dựng. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết: “Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng sai phép, trái phép. Việc cán bộ phát hiện mà không xử lý là bao che cho sai phạm”.

(Theo Sài Gòn giải phóng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu