Vụ cháy chung cư Xa La (Hà Nội) mới đây lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn tính mạng của hàng triệu con người đang sống trong các chung cư hiện nay.
Những năm gần đây, các tòa chung cư cao hàng chục tầng mọc lên như nấm tại Hà Nội. Các tòa chung cư này đang gây ra nhiều mối lo cho xã hội về sự quá tải đô thị, ách tắc giao thông và quan trọng nhất là sự an toàn tính mạng cho chính chủ nhân của những căn hộ trong các tòa chung cư cao tầng. Nhất là, khi gần đây “bà Hỏa” thường xuyên ghé thăm các khu chung cư cao tầng khiến người dân thêm phần lo lắng hơn.
Số liệu thống kê từ Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội cho biết, tính đến quý II/2015, trên địa bàn TP có 891 công trình nhà cao tầng. Có 60 công trình trong tổng số 779 công trình đã đưa vào sử dụng chưa được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy và 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Mặt khác, trên địa bàn TP vẫn tồn tại thực trạng nhiều chung cư cao tầng vẫn được cấp phép xây dựng dù hồ sơ PCCC chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt.
Nhiều sai phạm của chủ đầu tư "lộ diện" sau vụ cháy chung cư CT4A Xa La.
Trong cuộc họp báo diễn ra chiều hôm qua (12/10), theo đại diện Cơ quan cảnh sát PCCC Hà Nội, chủ đầu tư của 2 chung cư này chỉ lo bán nhà, mà thiếu trách nhiệm trong đảm bảo an toàn công trình và phòng chống cháy nổ và có thái độ chống đối khi không thực hiện các kiến nghị của cơ quan PCCC...
Việc đầu tư, phát triển nhà cao tầng để giải quyết chỗ ở cho cư dân đô thị là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại ngày nay. Thế nhưng, không phải vì bài toán chỗ ở mà chủ đầu tư bất chấp mạng sống của người dân. Tuy vụ cháy xảy ra ở Xa La mới đây không gây thiệt hại về người nhưng thực sự là cú sốc tinh thần, gây hoang mang cho nhiều cư dân.
Trên thực tế, câu chuyện trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trang bị các trang thiết bị báo cháy, phòng chống cháy nổ, thoát hiểm… đâu phải bây giờ mới nói đến mà đã được quy định bằng luật pháp, vậy tại sao rất nhiều chung cư cao tầng chủ đầu tư vẫn “lách” lọt qua những quy định pháp luật như vậy? Dường như tình trạng “nhờn” luật đang diễn ra để rồi các chủ đầu tư và những người làm công tác quản lý coi ý kiến của cơ quan PCCC và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này khi xây dựng các tòa nhà là chuyện nhỏ, điều quan trọng là cắt được khoản nào hay khoản đó.
Doanh nghiệp dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh lực nào cũng phải có trách nhiệm xã hội. Các chủ đầu tư khi xây dựng tòa nhà là trách nhiệm với cộng đồng dân cư xung quanh, việc làm phiền cộng đồng phải được giảm thiểu tối đa. Khi tòa nhà đi vào hoạt động thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Tuy nhiên, từ khâu “sản xuất” sản phẩm đã bị doanh nghiệp ăn bớt, vì thế hàng hóa không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật. Còn người dân thì chỉ quan tâm đến căn hộ mình đến ở ra sao chứ không để ý các thiết bị hỗ trợ an toàn cho mình được chủ đầu tư trang bị như thế nào. Thực tế có người sống ở chung cư cả năm trời nhưng không biết cầu thang bộ đi hướng nào.
Cư dân sống trong các tòa nhà cao tầng còn hạn chế về kiến thức thoát hiểm,
phòng chống cháy nổ.
Giới chuyên gia xây dựng cho rằng, một tòa nhà cao tầng bị xảy ra sự cố cháy nổ thì thiết bị báo khói phải ngay lập tức phát tín hiệu và bắt đầu kích hoạt hệ thống hỗ trợ xung quanh như hệ thống bơm gió tự động tại các cầu thang và các quạt hút gió tự khởi động, đồng thời hệ thống cung cấp điện độc lập trong trường hợp bị cắt điện sẽ tự kích hoạt đẩy ôxy vào để bảo đảm an toàn cho con người bên trong khu vực bị nạn. Hệ thống báo cháy, thoát nạn, chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng phải bảo đảm chứ không phải chỉ dựa vào thang cứu hộ. Dường như, trong các chung cư hiện nay, đó là những thứ còn "xa xỉ".
Bên cạnh đó, người dân sống trong các chung cư cao tầng cũng phải thực hiện nghiêm nội quy của tòa nhà về công tác PCCC để không xảy ra hoặc hạn chế thấp nhất thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra. Cư dân cũng nên đi nghe những buổi tuyên truyền về kỹ năng thoát nạn.
Chủ đầu tư bàn giao nhà cho dân, nghĩa là “chìa khóa trao tay” dân chỉ việc chuyển đến ở chứ không có quyền lắp đặt hay tháo dỡ bất cứ thiết bị cứu hỏa nào trong tòa nhà. Thế nên, không vì những lợi ích cá nhân cũng như sự thiếu hiểu biết mà để “bà Hỏa” thăm viếng bởi sẽ không có lần thứ hai để rút kinh nghiệm. Như vậy, bất kỳ sai phạm nào liên quan đến an toàn và tính mạng của người dân thì phải bị xử lý nghiêm. Mỗi người dân vì sự an toàn của chính mình, khi nhận bàn giao nhà cũng nên có kiểm tra rà soát về hệ thống PCCC, thoát hiểm của tòa nhà để có các kiến nghị xử lý.