Mới đây, liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Việt Xuân Mới và Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình đã đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải phương án đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Báo cáo của phía đề xuất đầu tư dự án cho biết, nhà ga hành khách hiện tại của cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có diện tích 13.995m2 có công suất phục vụ 1,6 triệu lượt khách/năm, tức tương đương 800 hành khách vào giờ cao điểm (600 khách quốc nội và 200 khách quốc tế).
Những năm vừa qua tốc độ tăng trưởng hành khách thông qua cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã liên tục tăng cao. Cụ thể, năm 2013 đạt hơn 1,5 triệu lượt khách và từ đầu năm 2014 sản lượng hành khách đã quá tải.
Dự án nhà ga hành khách Cam Ranh có khái toán tổng mức đầu tư gần 1.980
tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Mặt khác, hiện khu vực phòng chờ của cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đang bị quá tải, tuy nhiên thời gian cần thiết để đầu tư xây dựng một nhà ga hành khách mới từ 2-3 năm.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Xuân Mới, bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện liên danh đánh giá: “Việc xây dựng một nhà ga hành khách quốc tế riêng biệt tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là việc làm cần thiết và cấp bách, để tạo thành 2 nhà ga, nhằm tách biệt quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai”.
Đối với phương án huy động vốn, hiện liên danh nhà đầu tư cũng đưa ra 2 phương án gồm huy động nguồn vốn khu vực tư nhân trong nước theo hình thức BOT và thành lập doanh nghiệp dự án hoặc thành lập Công ty cổ phần trong đó có sự tham gia góp vốn của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư kiến nghị doanh nghiệp BOT đầu tư và quản lý khai thác và cung cấp các dịch vụ hành không, dịch vụ phi hành không trong phạm vi nhà ga quốc tế và sân đỗ ôtô trong thời hạn theo hợp đồng dự án. Còn nhà ga hành khách trong nước và các khu vực, các dịch vụ hành không và phi hành không sẽ do ACV khai thác và quản lý.
Được biết, công trình trên có khái toán tổng mức đầu tư gần 1.980 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) và thời gian hoàn vốn khoảng 21 năm.
Theo bà Quyên: “Việc huy động được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đẩy nhanh việc thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, điều này góp phần đem lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế-xã hội cho tỉnh Khánh Hòa đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”.
Trong trường hợp được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận thì liên danh nhà đầu tư sẽ chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng như lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2015-2016 và thi công, tiến tới hoàn thành nghiệm thu đưa vào khai thác năm 2016-2018.