Những thủ đoạn lừa bán đất nền của các cò đất trên địa bà TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... ngày càng tinh vi, khiến cả chủ đất lẫn các tổ chức công chứng đều khốn đốn.
Chủ nhà đất đứng ngồi không yên
Vừa mới đăng tin rao bán khu đất trên địa bàn TX. Bến Cát (Bình Dương) với giá 11 tỷ, bà Trần Thị Ngọc Điệp (ngụ tại quận 3 TP.HCM) đã nhận được điện thoại hỏi mua. Ngay sau khi trao đổi thông tin về thời gian, địa chỉ gặp gỡ để trao đổi thêm về vấn đề mua bán khu đất, lập tức có một nhóm người đến trả giá và đặt vấn đề làm hợp đồng đặt cọc với bà Điệp.
Khi đã trao khoản tiền đặt cọc 1 tỷ đồng, nhóm người mua đất đã đề nghị sẽ tự làm thủ tục sang tên vì có mỗi quan hệ rộng, tuy nhiên, bà Điệp cần phải làm giấy ủy quyền thì họ mới làm được. Phương án này được chủ đất đồng ý và 2 bên cùng đến một văn phòng công chứng ở Bình Dương để làm giấy ủy quyền.
Nhưng đã 2 tháng trôi qua mà bà Điệp vẫn chưa hề nhận được bất kỳ thông tin gì từ bên mua, quá sốt ruột, bà gọi điện để hỏi thì được nhóm người này trả lời rằng: “trong sổ bị sai về số thửa…” nên phải điều chỉnh. Nhưng để được điều chỉnh và hoàn tất thủ tục sang tên thì bà Điệp phải mượn sổ đỏ của nhà bên cạnh.
|
Cò đất ngày càng sử dụng nhiều chiêu lừa bán đất nền tinh vi, khó lường. |
Nhận thấy có sự vô lý ở đây, bà Điệp đã yêu cầu được nhận lại sổ để tự đi làm các thủ tục. Điều đáng buồn là cuốn sổ đất khi nhận lại đã bị bóc xé te tua chứ không lành lặn như lúc bà đưa cho nhóm người mua.
Không chỉ vậy, bà Điệp còn phát hiện nhóm người này đã giả mạo chữ ký của bà để thực hiện ký giấy ủy quyền bán đất cho người khác khiến bà cảm thấy có điều bất an. Vậy nên, bà đã đến UBND TX. Bến Cát để làm lại giấy tờ để đảm bảo cho sự an toàn cho tài sản của mình và tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Cũng gặp trường hợp lừa đảo tương tự, sau khi rao bán ngôi nhà tại phường Cầu Ông Lãnh (quận 1) với giá 16 tỉ đồng, bà Hoàng Thị T. (ngụ tại quận 1, TP.HCM) sau khi trao đổi với khách mua một thời gian ngắn thì thấy có rất nhiều người đến hỏi nhưng với lý do là muốn bán chứ không phải mua. Trong khi bà T. vẫn đang là chính chủ ngôi nhà, vẫn đang sử dụng và chưa hề ký hợp đồng giao dịch với bất kỳ ai.
Thấy sự việc không bình thường, bà T. đã tìm hiểu thì ngớ ra vì sổ đỏ thật cũng như tờ lệ phí trước bạ của mình không hểu vì sao biến mất. Sau đó, người này mới biết là ai đó sau khi có được hai bản chính giấy trên đã giả mạo mình cùng với CMND giả tên bà để thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền cho người khác được quyền định đoạt tài sản này.
Thủ đoạn tinh vi như trên của các đối tượng xấu không chỉ khiến chủ đất đứng ngồi không yên vì dễ rơi vào tình cảnh tranh chấp, thế chấp ngân hàng, mà ngay các tổ chức hành nghề công chứng cũng hết sức lo lắng vì vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, cho hành vi trái pháp luật.
Lật tẩy thủ đoạn tinh vi của cò đất
Với khả năng “hoạt ngôn”, các đối tượng cò đất đã “nổ” với bên bán nhà đất rằng mình có mối quan hệ tốt, có quen biết với cán bộ làm việc tại chính quyền địa phương nên dễ dàng thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ, giúp quá trình thanh toán tiền mua nhanh hơn. Từ đó, họ tiếp tục đề nghị bên bán ký giấy ủy quyền để họ đi làm giấy tờ.
Nhưng sau khi có giấy ủy quyền của chủ nhà, có các giấy tờ gốc của tài sản, họ không hề thực hiện lời hứa làm thủ tục sang tên đổi chủ như cam kết, mà đã tự ý phân lô rao bán nền cho nhiều người.
Để hành vì lừa đảo của mình thuận lợi và không bị nghi ngờ, các đối tượng này còn làm giả sổ đỏ, làm giả giấy ủy quyền rồi trả lại giấy tờ cho chủ đất với lý do “giấy tờ sai thửa đất, có tranh chấp…”. Có những đối tượng còn sử dụng ngay chính sổ đỏ thật của chủ nhà mang đi thế chấp. Chỉ đến khi chủ nhà đất nhận được thông báo về việc tài sản của mình không thể mua bán vì đang bị thế chấp ở ngân hàng thì mọi việc mới được vỡ lẽ.
Những thủ đoạn tinh vi trên của cò đất không chỉ lừa được người dân, mà còn qua mắt cả một số các văn phòng công chứng, gây ra nhiều bất bình trong dư luận.