Cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại Hà Nội: Nợ khủng, thu không đủ chi

  10/04/2015 - 08:33

Chưa biết đến khi nào Nhà nước mới thu được hàng chục tỷ đồng tiền cho thuê. Nhiều doanh nghiệp cho thuê lại hưởng lợi tuy nhiên vẫn dây dưa tiền thuê với thành phố. Trong khi đó, chi phí cho bộ máy quản lý quỹ nhà này có khi còn vượt cả thu….

nhà thuộc sở hữu Nhà nước
Thu không đủ chi khi cho thuê nhà công (Ảnh: Internet)

Nợ tiền thuê tràn lan

Theo Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà quận Đống Đa, đơn vị này đang khốn khổ do số tiền thuê nhà mà các doanh nghiệp (DN) nợ dây dưa có nguy cơ tăng dần đồng thời càng ngày càng khó thu hồi. Chỉ tính riêng phần gốc theo giá thuê nhà thành phố ban hành, tại địa bàn quận Đống Đa vẫn còn tới cả chục DN nợ với tổng số tiền lên tới 5,66 tỷ đồng. Đơn cử là Công ty CP Tập đoàn Vật liệu điện và Cơ khí, thuê nhà tại 240-242 Tôn Đức Thắng còn nợ tới 2,39 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân nợ 249 triệu đồng; Công ty CP Bách hóa thuê nhà tại 15 Bích Câu nợ hơn 1 tỷ đồng; Công ty CP XNK lương thực Hà Nội thuê nhà tại 162 Tôn Đức Thắng nợ hơn 110 triệu đồng; Công ty Công trình Bưu điện thuê nhà tại 60 ngõ Thổ Quan nợ 1,6 tỷ đồng; Công ty CP Cao su Hà Nội thuê nhà tại 35B Cát Linh nợ 269 triệu đồng.

Cùng với đó, tại địa bàn quận Ba Đình, số tiền thuê nhà còn bị nợ kéo dài cũng lên tới 6,5 tỷ đồng. Đơn cử như Công ty CP Bách hóa tại 38 Phan Đình Phùng nợ 1,27 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu khí tại số 10 Điện Biên Phủ nợ 852 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Haprosimex nợ hơn 139 triệu đồng; Công ty CP ăn uống dịch vụ du lịch Ba Đình tại tầng 1 nhà G khu tái định cư 7,2 ha (quận Ba Đình) nợ 561 triệu đồng. Ngoài ra còn một số trường hợp khác như HTX may Trúc Bạch nợ hơn 4000 triệu đồng từ năm 2009 đến nay...

Chưa hết, trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân cũng đang trong tình trạng nợ tiền thuê nhà. Tính đến cuối năm 2014, theo thống kê của Cục Thuế Hà Nội, số tiền nợ đọng từ tiền cho thuê nhà, đất của thành phố lên tới khoảng 200 tỷ đồng.

Đại diện Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà quận Đống Đa cho biết, số tiền nợ nêu trên đang được tính theo đúng giá nhà cho thuê, còn lãi suất thì chưa co. Như vậy, nết cộng cả tiền thuê đất mà hiện tại Cục Thuế Hà Nội đang giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà thu thì số tiền  nợ còn từ khoản này cũng phải lên tới cả hàng chục tỷ đồng.

Thu không đủ chi

Mỗi năm, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Đống Đa, phải chi trả lương, chi phí hành chính lên đến hơn 3 tỷ đồng. Tất cả tiền thu được từ cho thuê nhà đều nộp vào ngân sách thành phố rồi sau đó mới được cân đối trở lại. Tiền thu từ cho thuê nhà ở sẽ được trích 40%, nhà chuyên dùng được trích 50% tiền thuê nhằm chi trả cho các xí nghiệp quản lý và Công ty Quản lý và Phát triển nhà. Trường hợp thu theo mức giá cũ quy định tại Quyết định 26 là 80.000 đồng/m2/tháng thì sau khi cân đối sẽ bị âm 400 triệu đồng, nghĩa là thu không đủ chi.

Lãnh đạo của xí nghiệp này chia sẻ thêm: Đấy là chỉ tính mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Và sẽ còn thiết nhiều nếu tính mức lương có tính chất khuyến khích nhân viên. Bên cạnh chi phí lương, hành chính dành cho các xí nghiệp quản lý, hàng năm TP. Hà Nội phải chi hàng tỷ đồng nhằm cải tạo, sửa chữa hệ thống nhà chuyên dùng. Đối với những xí nghiệp quản lý địa bàn quận Thanh Xuân, Cầu Giấy bởi không có nhiều điểm thuê mà nhân viên lại nhiều thì còn khó khăn hơn.

Rất nhiều nhân viên phụ trách nhiệm việc thu hồi công nợ của xí nghiệp Quản lý nhà quận Đống Đa không giấu được vẻ mệt mỏi. Nữ nhân viên xí nghiệp cho biết, về quy trình khi DN thuê nhà nợ thì xí nghiệp nhắc nhở, báo cáo lên Công ty Quản lý và Phát triển nhà để ra thông báo. Một thực tế đã và đang diễn ra là nhiêu đơn vị, công ty nhận được thông báo lần thứ hai, thứ ba, hay ngay cả có quyết định thu hồi thì họ vẫn cứ lờ đi.

Theo Trưởng phòng tài vụ của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Ba Đình bà Thái Kim Anh, trong số các đơn vị nợ tiền thuê có những trường hợp không ký lại hợp đồng thuê theo đúng mức giá mà thành phố mới ban hành càng làm khó cho việc thu hồi công nợ. Nhân viên thu hồi công nợ nhiều khi ra thông báo rồi vẫn phải "ngọt nhạt" với cả "con nợ". Còn việc gặp lãnh đạo các DN nợ tiền để thúc giục là việc hết sức khó khăn.

Cũng theo bà Kim Anh, thành phố cần có biện pháp mạnh đối với tình trạng nợ dây dưa kéo dài bằng cách đưa một số trường hợp ra tòa, thực hiện cưỡng chế, thu hồi lại nhà.

(Theo Tiền phong)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu