Chỉ còn gần một tháng nữa là hàng nghìn sinh viên từ các tỉnh, thành phố sẽ đổ về Hà Nội nhập học. Điều này đã khiến cho thị trường nhà trọ thời điểm hiện tại trở nên nhộn nhịp hơn và đội ngũ "cò" nhà trọ lại rục rịch tái xuất.
Theo nhận định của giới chuyên môn, đã manh nha xuất hiện việc thanh khoản và giá phòng trọ tăng một cách đột biến tại nhiều xóm trọ ở Thủ đô. Trong tháng tiếp theo, sức nóng của phân khúc này được dự đoán sẽ đạt đỉnh. Lợi dụng nhu cầu thực này, nhiều “cò” môi giới nhà trọ đã nhanh chóng sử dụng những thủ đoạn tinh vi để trục lợi từ khách thuê nhẹ dạ.
Nhu cầu nhà trọ tăng cao
Mặc dù không được công bố rộng rãi, ít quảng cáo, truyền thông mạnh mẽ như loại hình căn hộ hay đất nền, tuy nhiên, phân khúc nhà trọ cho thuê vẫn luôn chứng tỏ được độ “hot” vào những thời điểm nhất định. Theo chị Nguyệt, một “cò” môi giới lâu năm tại Cầu Giấy, thị trường nhà trọ cho thuê luôn rất đa dạng về nguồn cầu. Tuy nhiên, tháng 8 và tháng 9 hàng năm được giới trong nghề rỉ tai là mùa “béo bở” khi nhu cầu của khách thuê sinh viên tăng vọt. Đây là khoảng thời gian các tân sinh viên từ các tỉnh, đa số là lần đầu đặt chân đến Hà Nội còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen đường đi lối lại thường phải trông cậy vào các “cò” để tìm nơi ở phù hợp.
Nếu như tháng trước, cụm từ “bất động sản nghỉ dưỡng” là tiêu điểm nóng của thị trường thì sang trung tuần tháng 8, mọi thứ đã đảo chiều. Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “cho thuê phòng trọ sinh viên Hà Nội” thì trên hầu hết các trang rao vặt bất động sản có tiếng đã chạy “vị trí đắc địa” cho phân khúc này. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực có các trường đại học thuộc quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa… đã “rục rịch” xuất hiện khách tìm thuê nhà trọ thổ cư. Trong khi đó, tại chung cư sinh viên Hacinco, ký túc xá chất lượng cao Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình…, số lượng người đến tìm thuê lại rất ít.
|
Một chung cư mini trên địa bàn phường Mễ Trì rao cho thuê nhà trọ. Ảnh: Công Hùng |
Ông Đỗ Quốc Hiệp, chủ phòng trọ tại ngõ Gốc Đề cho biết: “Đầu tháng 7, gia đình tôi còn trống 10/23 phòng, nhưng hiện tại đã lấp đầy các phòng. Giai đoạn này, khu nhà trọ ở đây đều tăng giá nhẹ từ 100.000 - 200.000 đồng/căn mà vẫn thiếu phòng cho thuê. Theo thông lệ, sau khi có tin báo đỗ đại học, cao đẳng..., hầu hết sinh viên và người thân đều lên Thủ đô sớm tới hàng tuần liền để tìm nhà trọ và đặt cọc tiền trước cho yên tâm. Sau đó họ mới quay về quê để chuẩn bị giấy tờ, đồ đạc ra nhập học sau”.
Người thuê nhà trọ coi chừng “phí dẫn mối”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, các “cò” nhà trọ năm nào cũng sử dụng một số chiêu quen thuộc nhưng vẫn “bẫy” được không ít khách hàng nhẹ dạ. Cách thức hoạt động khá đơn giản là gom một số “cò” nhà trọ lại với nhau, lập ra văn phòng nhà đất “ma” đăng tải những thông tin hấp dẫn như cho thuê nhà chính chủ, phòng đẹp, giá rẻ, bao điện nước… để thu hút sinh viên mới.
Tuy nhiên, khi đến các địa chỉ như thông tin đã đăng thì người thuê mới biết địa chỉ này chỉ là trung tâm môi giới nhà đất, đồng thời nhận được câu trả lời về nơi muốn thuê: “Đã có người khác đặt cọc trước rồi!”.
Sau đó, người thuê sẽ được dẫn đến những địa điểm cho thuê khác, kèm theo phí dịch vụ khoảng 200.000 đồng cùng với cam kết "trung tâm sẽ tìm cho đến khi khách ưng ý mới thôi”. Tuy nhiên, nhân viên các trung tâm này sẽ dẫn khách đến những địa điểm không phù hợp về vật chất hoặc giá quá cao nhằm lấy tiền dẫn mối.
Liên lạc với số điện thoại của một "chủ cò" tên Hậu, phóng viên được hướng dẫn đường tới "trụ sở công ty" nằm ngay trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân). Tại đây, người này cam kết chỉ phải trả phí dịch vụ nếu khách ưng nhà trọ. Theo chân Hậu, phóng viên đến một căn nhà 2 tầng khá tươm tất ở đường Khương Đình.
Căn nhà có tất cả 5 phòng với diện tích mỗi phòng là 20m2, khép kín, sạch sẽ với giá thuê là 1,3 triệu đồng/phòng. Sau khi phóng viên đã trả 200.000 đồng phí dịch vụ giới thiệu và yêu cầu gặp chủ nhà để ký hợp đồng thì người này cho biết: “Hiện tại, chủ nhà đi vắng và ủy quyền cho bên chị nhận đặt cọc (500.000 đồng) để giữ phòng. Khoảng 3 ngày sau chủ nhà về, văn phòng sẽ gọi em đến ký hợp đồng (?!). Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý nói chuyện điện thoại với chủ nhà thì lại bị từ chối.
“Hiện nay, vẫn chưa có cơ quan, ban ngành nào quản lý hoạt động của những công ty “ma” dạng này. Cách tốt nhất là khách thuê nên đến những trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên để được tư vấn, hỗ trợ. Đây là những nơi giới thiệu miễn phí phòng trọ uy tín. Khi đã quyết định thuê, chỉ làm hợp đồng đặt cọc, thuê nhà với những điều khoản rõ ràng với chính chủ nhân”, ông Long lưu ý.