Cơn bão dự án ma ở các tỉnh phía Nam

  01/08/2019 - 11:46

Dự án ma, dự án chưa được cấp phép mua bán ngày càng xuất hiện nhiều tại các tỉnh, thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, khiến chính quyền địa phương phải liên tục ra văn bản cảnh báo đến với người dân.

Bẫy dự án ma giăng khắp nơi

Công ty CP Thiết kế - Xây dựng địa ốc Đại Phúc Real (Đại Phúc Real) mới đây đã đăng tin rao bán đất nền phân lô thuộc khu dân cư cao cấp Long Phụng 1, nằm ở mặt tiền đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM. Qua kiểm tra, UBND phường Trường Thạnh xác nhận, đây là khu đất thuộc thửa số 1418, tờ bản đồ số 7, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho một người khác và không có bất kỳ dự án nào mang tên “khu dân cư cao cấp Long Phụng 1” trên địa bàn phường. Còn chủ nhân thực sự của khu đất này khẳng định không hề rao bán hay ủy quyền cho bất kỳ cá nhân, đơn vị nào thực hiện phân phối đất nền tại đây. 

Thời điểm đầu năm 2019, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng đã phát hiện ra 4 khu đất nằm ở khu phố 2, 5 và 6 bị “cò đất” rao bán đất nền phân lô trong khi được quy hoạch với mục đích xây dựng công trình y tế, giáo dục và công viên cây xanh.

Dự án ma
Dự án ma xuất hiện tràn lan tại các tỉnh thành phía Nam.

Tình trạng phân lô bán nền các dự án “ma” đã được đưa ra bàn luận sôi nổi tại kỳ họp HĐND TP.HCM diễn ra hồi giữa tháng 7 vừa qua. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết, có hàng nghìn người mua bị lừa đặt cọc giữ chỗ tại các dự án ma. Bà Trâm vô cùng bức xúc nói: “Tôi nhận được đơn của nhiều người dân phản ánh vấn đề này, đặc biệt là khu đất ở An Lạc, Bình Tân được quy hoạch làm công viên cây xanh nhưng công ty Angel Lina rao bán, có người đã đặt cọc một tỷ đồng. Việc này có thể xem xét khởi tố được hay không, nhất là người cầm đầu?”

Vụ việc “đình đám” nhất thời gian qua là việc ngang nhiên rao bán 29 dự án “ma” ở Đồng Nai của Công ty CP Bất động sản Alibab, trong đó, trên địa bàn huyện Long Thành có 27 dự án, huyện Xuân Lộc có 1 dự án, huyện Nhơn Trạch có 1 dự án. Những khi đất được Alibaba quảng cáo rao bán dự án thực chất đều là đất nông nghiệp chưa lên đất thổ cư do cá nhân, hộ gia đình đứng tên. Thực trạng này buộc chính quyền địa phương đã vào cuộc và liên tục phát đi các thông báo đến người dân về việc không có bất kỳ dự án nào của Alibaba trên địa bàn tỉnh được cấp phép.

 Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh cùng các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý đất đai nhưng tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái phép vẫn diễn ra tràn lan, đặc biệt là ở những địa bàn phát triển về công nghiệp, tập trung đông lao động, có nhu cầu lớn về nhà ở.

Báo cáo của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 192 mảnh đất nông nghiệp bị biến thành “dự án đất nền”, "dự án nhà ở". Trong khi, chính quyền địa phương mới chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư cho 62 dự án vì đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, Công ty Alibaba đã bán được tới 3.333 nền đất thuộc 7/8 “dự án ma” trên địa bàn TX. Phú Mỹ, thu về số tiền lên đến hơn 771 tỷ đồng.

Người mua cần tỉnh táo

Nhằm nâng cao sự cảnh giác của người dân về các dự án ma, cuối tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân đã ra văn bản đề nghị các phường, khu phố của quận cần cảnh báo nhân dân về các thủ đoạn lừa đảo giao dịch nhà đất qua hình thức góp vốn từ 50-400 triệu đồng cũng như hình thức lập vi bằng mua nền đất đi kèm lời hứa sẽ có GCNQSDĐ trong khoảng từ 6-12 tháng! Hình thức mua nhà đất này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì không được pháp luật công nhận. Do đó, người dân cần phải hết sức tỉnh táo trước những lời dụ dỗ "mật ngọt" của giới cò.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho hay, theo quy định của pháp luật, chỉ khi đất nền có GCNQSDĐ (sổ đỏ) mới được thực hiện giao dịch mua bán. Do đó, người dân chỉ thực hiện giao dịch khi lô đất đó đã được ra sổ, thậm chí, có thể  hỏi dò về khả năng tách thửa của lô đất đó. Chỉ khi thực hiện đúng quy định của pháp luật thì người mua mới mong tránh được những rủi ro khó lường. Những người dù biết dự án không rõ ràng về pháp lý nhưng vì cái lợi trước mắt nên vẫn thực hiện giao dịch sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, có thể dẫn đến "tiền mất tật mang".

Luật sư Trần Đức Phượng đã đưa ra 2 phương án để giải quyết triệt để vấn nạn dự án “ma”. Cụ thể, thứ nhất là buộc phải khôi phục lại nguyên hiện trạng ban đầu của lô đất bán trái phép; thứ hai, kiên quyết thu hồi đất nếu tiếp tục vi phạm.

(Theo tapchitaichinh)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu