Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường địa ốc cuối năm 2019 sẽ khó xảy ra bong bóng hay rơi vào tình trạng khủng hoảng do có sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khi nhận định về thị trường bất động sản nửa cuối năm 2019 và năm 2020 đã cho rằng, thị trường sẽ xuất hiện nhiều yếu tố tích cực hơn so với thời điểm nửa đầu năm.
Ông Hà đánh giá, thị trường địa ốc thời điểm hiện tại vẫn phát triển khá ổn định. Nguồn cung trong quý 1 và 2 tuy có giảm nhưng lượng giao dịch thành công vẫn có sự tăng trưởng tốt, nhất là tại phân khúc nhà ở.
Nguồn cung tại các đô thị lớn sẽ tiếp tục hạn chế trong những tháng còn lại của năm. Những dấu hiệu bất ổn từ việc nguồn cung giảm đã được các cơ quan nhà nước nhìn nhận, do đó một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án bất động sản trên địa bàn. Nguyên Cục trưởng cũng đã chỉ ra 6 yếu tố tạo sự tác động tích cực đến thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm 2019 và năm 2020. Cụ thể:
Yếu tố đầu tiên là nhu cầu về bất động sản nhà ở của người dân vẫn rất cao, nhất là ở các đô thị lớn cũng như các khu hành chính - kinh tế mới.
Yếu tố thứ hai là làn sóng dịch chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam (do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung) hứa hẹn sẽ giúp thị trường bất động sản công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó sẽ kéo theo sự phát triển về cơ sở nhà ở, dịch vụ cho công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
|
Thị trường địa ốc cuối năm được cho là phát triển ổn định do những tác động tích cực từ nền kinh tế vĩ mô. |
Yếu tố thứ ba là các khoản vay bất động sản được cho sẽ chất lượng và lành mạnh hơn, giảm nợ xấu do các quy định kiểm soát tín dụng bất động sản chặt chẽ hơn. Từ đó, các nhà phát triển bất động sản cũng sẽ phải đi tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ nhiều kênh khác như: vốn đầu tư từ nước ngoài, chứng khoán bất động sản, kiều hối, vốn tư nhân.
Yếu tố thứ tư là dư địa phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn rất nhiều, nhất là tại các thị trường mới. Sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng sẽ kéo theo sự tăng trưởng về kinh tế của các địa phương mới.
Yếu tố thứ năm là mô hình bất động sản thông minh, bất động sản xanh sẽ trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trong những năm tới.
Yếu tố cuối cùng là sự tăng giá nhẹ của thị trường bất động sản do nguồn cung tại 2 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và Sài Gòn đang bị thiếu hụt.
Bà Lê Vũ Thanh Tâm, chuyên gia của Viện Kinh tế - Tài chính cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, thị trường bất động sản sau một năm đầy biến động mạnh hiện đã vượt qua dự báo vỡ bong bóng bất động sản vào thời điểm cuối năm 2018.
Bà Tâm phân tích thêm, nền kinh tế vĩ mô Việt Nam dù chịu sự ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc chiến trang thương mại Mỹ - Trung nhưng được dự báo sẽ phát triển tích cực hơn so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong năm 2019 được ước tính khoảng 6,8%, là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường địa ốc phát triển ổn định.
Thị trường bất động sản những tháng cuối năm và các năm tới theo bà Tâm sẽ không có sự xáo trộn nào lớn dẫn đến đóng băng hay vỡ bong bóng, mà vẫn phát triển ổn định nhờ sự can thiệp kịp thời từ phía Chính phủ cùng những tín hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô.