Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những sai phạm về đất đai tại khu vực quy hoạch đất rừng phòng hộ ven hồ Đồng Đò (Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội). Tuy nhiên, 12 năm qua, hàng loạt công trình kiên cố vẫn mọc lên, các khu đất vẫn được rao bán nhộn nhịp.
Người mua kẻ bán nườm nượp
Theo tìm hiểu, từ hơn 2 năm trước, giá đất tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn đã trở nên "nóng sốt". Giá đất trung bình tại thời điểm đó vào khoảng 9-10 triệu đồng/m2. Đến nay, "nhiệt" đã giảm đi đáng kể.
Có không ít người đến hỏi mua đất ven hồ Đồng Đò. Bán hàng tạp hóa gần khu hồ Đồng Đò, chị N.T.H.X. cho biết, phần lớn đất ở đây là đất rừng nên không được khai thác và xây dựng. Từ sau khi công trình của ca sỹ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương bị cho là xây dựng trái phép với nhiều ồn ào xung quanh nhưng vẫn có nhiều người đến hỏi mua đất. Vào những ngày cuối tuần, ôtô vào phía hồ Đồng Đò xem đất nườm nượp.
|
Có cả chục lượt xe tới "thăm đất" mỗi ngày |
Nằm gần nhà ca sỹ Mỹ Linh, khu đất ven hồ có sổ đỏ được bán với giá khoảng 5 triệu đồng/m2, chưa có sổ là 1-2,5 triệu đồng/m2. Nhưng vì diện tích lớn, mỗi lô cả nghìn m2 nên giá lên đến vài chục tỷ. Giá đất trong khu trung tâm xã dao động từ 8-9 triệu đồng/m2.
Năm 2008, theo phê duyệt của cơ quan chức năng, khu vực hồ Đồng Đò thuộc rừng phòng hộ đặc dụng. Từ năm 2002, thôn Minh Tân đã được thu hồi GPMB để làm công trình chứa nước Đồng Đò nhưng UBND xã Minh Trí, UBND huyện Sóc Sơn không lưu giữ hồ sơ. Dự án không có các mốc giới xác định cắm ngoài thực địa, vì vậy không xác định được ranh giới sử dụng đất của các hộ tiếp giáp với hồ.
Hai xã Minh Trí và Minh Phú (huyện Sóc Sơn) hiện có 45 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó có nhiều căn nhà hàng chục tỷ đồng nằm giữa rừng phòng hộ.
Tại xã Minh Trí, trước khi khu ven hồ được quy hoạch là rừng phòng hộ đã có nhiều người dân sinh sống tại đây. Theo một người dân sống gần hồ, hiện người dân đã được đền bù đầy đủ nhưng vẫn có nhiều hộ cố tình xây các ngôi nhà nhỏ để sinh sống.
Huyện Sóc Sơn đã cấp sổ đỏ cho 229 cá nhân, hộ gia đình trên đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trong đó 123 sổ đỏ nằm trên diện tích rừng phòng hộ do công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Sóc Sơn quản lý. Những sổ đỏ này đã được cấp quá so với diện tích quy định (tối đa là 400m2). Dù Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu hiệu chỉnh nhưng đến năm 2013, mới chỉ 32 sổ được hiệu chỉnh.
Mua đất được "khuyến mại" đất rừng
Trên các trang mạng, thị trường bất động sản tại khu vực này vẫn diễn ra nhộn nhịp. Mọi người có thể dễ dàng liên hệ với môi giới để mua những lô đất "địa thế đẹp" ven hồ chỉ qua vài thao tác tìm kiếm.
Một người đàn ông tên Giang khi được liên hệ đến đã đon đã chào hàng một lô đất thổ cư nằm ngay mặt hồ, rộng gần 8.000m2, phong thủy đẹp, mặt hướng hồ, lưng tựa núi, với giá 1,9 triệu đồng/m2. Trong đó, khoảng 1.600m2 đất được xây dựng, đã chia nhỏ thành 4 sổ đỏ khác nhau. Không chỉ vậy, người mua sẽ được sở hữu thêm khoảng 3,1ha rừng đi liền, có thể trồng trọt, chăn nuôi hoặc làm du lịch sinh thái.
|
Lô đất do ông Giang rao bán cũng tương tự công trình này |
Theo người dân: "Nhiều hộ gia đình góp vốn mua "gộp" đất để dành, chờ bán lô đất rộng cả nghìn m2. Tương tự, lô đất của ông Giang được 4 hộ góp vốn đứng tên mỗi hộ 400m2 đất được phép xây dựng".
Tại một số khu vực khác tại Sóc Sơn như xã Phú Cường có giá khoảng 6,5 triệu đồng/m2, xã Hồng Kỳ có giá 4 triệu đồng/m2.
Ngày 11/6/1998, ban hành Quyết định số 2234/QĐ-UB, UBND TP. Hà Nội đã quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn với diện tích đất lâm nghiệp là 6.630ha (trong đó rừng phòng hộ là 5.100ha, rừng đặc dụng là 1.530ha).
Ngày 29/5/2008, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UB để điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn năm 1998 thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Diện tích quy hoạch được điều chỉnh xuống còn 4.557ha, gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại Lâm trường Sóc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn và các xã đồi gò (Minh Trí, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ…).
|