Trong khi tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM nhà ở xã hội đang gây sốt, thì tại nhiều địa phương khác, những dự án kiểu này lại lâm vào cảnh đìu hiu chợ chiều. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do sự thiếu tầm nhìn và cũng có thể do doanh nghiệp muốn lợi dụng các chính sách ưu đãi nên vẫn đổ xô xây dựng.
Trong khi Hà Nội đang sốt nhà ở xã hội, nhiều tỉnh lại thừa những dự án kiểu này.
Trong ảnh là dự án Đặng Xá - Gia Lâm.
Rẻ nhưng vẫn ế
Tại Hà Nội, cảnh người dân đổ xô xếp hàng mua nhà ở xã hội lại tái diễn như cách đây 3 năm, bởi ngày càng ít dự án được khởi công. Tại những vị trí đắc địa như: Chèm - Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai), Đặng Xá (Gia Lâm)... luôn xảy ra tình trạng hồ sơ vượt quá số căn hộ bán.
Trái với cảnh, trong nhiều năm nay, tại các địa phương như: Hưng Yên, Huế, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa... hàng nghìn căn hộ vẫn bị ế dù có giá chỉ bằng một nửa so với ở Hà Nội hay Tp.HCM. Theo ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, người dân Huế vẫn chưa có thói quen ở nhà chung cư nên việc phát triển nhà ở xã hội không đánh trúng tâm lý của đại đa số. Đồng thời, mức giá hơn 5 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư đưa ra chỉ rẻ so với những khu đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, nhưng lại đắt so với các tỉnh lẻ.
Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên, cho biết, giá đất nền tại địa phương hiện nay rẻ hơn nhiều so với đất tại các đô thị lớn, người dân thay vì mua nhà ở xã hội sẽ lựa chọn mua đất xây nhà.
Để khơi thông phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước có nhiều chính sách mới như mở rộng đối tượng, hay lãi vay ưu đãi..., nhưng số lượng căn hộ bán được tại địa phương vẫn không gia tăng. Để cứu chủ đầu tư, nhiều địa phương như Huế hay Đà Nẵng đã phải đứng ra mua lại căn hộ ế .
Vẫn tiếp tục khởi công dự án
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chia sẻ: “Năm 2009, chương trình nhà ở xã hội đưa ra nhưng không xét trên toàn diện cả đất nước. Nhiều địa phương lao vào làm nhà ở xã hội mà thiếu nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của người dân. Bất cập đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng Chính phủ và Bộ Xây dựng không hề thay đổi. Ai lại đi xây dựng chung cư trên vùng núi như Lạng Sơn. Làm thất bại rồi sau đó ngân sách lại bỏ tiền ra mua, điều này gây lãng phí lớn cho xã hội”.
Ông Liêm cho rằng, tại các địa phương nhiều doanh nghiệp đua nhau làm nhà ở xã hội khó tránh khỏi việc họ muốn lợi dụng những chính sách ưu đãi về vay vốn giá rẻ. Đồng thời, lý lịch “đã từng làm nhà ở xã hội” giúp chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận những vị trí đất vàng tại tỉnh lẻ.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, phân tích: “Hiện nay, việc xin phép làm dự án nhà ở xã hội tại các địa phương rất dễ nên các doanh nghiệp đua nhau xây dựng với nhiều ưu đãi về tiền, thuế, sử dụng đất... Cũng không ngoại trừ khả năng, chủ đầu tư biết trước tình cảnh nhà ở xã hội không bán được vào thời điểm này, nhưng chính quyền địa phương sẽ cân nhắc cho chuyển đổi sang nhà thương mại. Đến lúc đó, lợi nhuận của chủ đầu tư sẽ tăng lên gấp đôi”.
TS Phạm Sỹ Liêm cảnh báo, nếu không kịp thời có những giải pháp hữu hiệu, tình trạng nghịch lý nhà ở xã hội sẽ trở nên trầm trọng; vài năm nữa, các thành phố lớn sẽ thiếu nhà ở xã hội, còn địa phương thì thừa thãi. “Phải quyết tâm tổ chức thực hiện chương trình nhà ở xã hội; cần thiết phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo chính quyền các cấp để việc phát triển nhà ở xã hội đúng nhu cầu, tránh gây lãng phí. Phải có Ủy ban Quốc gia phát triển nhà ở trực thuộc Chính phủ và Ban Phát triển nhà ở trực thuộc các tỉnh thành, thực hiện nghiên cứu điều tra xã hội học về nhu cầu nhà ở xã hội. Từ đó, đề ra các chiến lược chỉ tiêu và biện pháp tổ chức thực hiện một cách khả thi thực tế và bền vững”, ông Liêm nói.
UBND TP. Đà Nẵng vừa phải bỏ tiền ngân sách mua 251 căn hộ tại khu chung cư nhà ở xã hội Blue House (Đại Địa Bảo) của Công ty Cổ phần Đức Mạnh (Liên doanh DMC-579) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 579. Các căn hộ này có diện tích 50 - 55m2, với mức giá bán bình quân 350-400 triệu đồng/căn.