Chi phí đầu tư lên tới hơn 500 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường Kim Liên -
Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu chỉ dài có 500m
Trong bối cảnh đó, việc thất thoát và lãng phí trong các công trình xây dựng thời gian qua là một bức tranh màu xám, như một thông lệ, đến kỳ họp bàn về ngân sách vấn đề lại được Quốc hội mổ xẻ xem ra cũng đến nơi đến chốn nhưng vẫn chưa có giải pháp hạn chế.
Thực trạng trên dẫn đến nhiều hậu quả vượt ra ngoài chuyện tiền bạc và ngân sách, thậm chí một đại biểu Quốc hội khi bàn về dự án xây dựng sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nơi vị này đại diện cho cử tri) đã bày tỏ sự lo lắng như đã từng nhiều lần đề cập trước đây mà ông gọi là “hội chứng mất lòng tin”. Trong một cuộc họp gần đây ông cho biết, bất kỳ một dự án nào được đưa ra thì hỏi đầu tiên của người dân là có thất thoát, lãng phí không và có lợi ích nhóm không?
Những băn khoăn ấy hẳn không phải không có cơ sở. Tuy chưa có một cơ quan nào công bố chính thức mức độ tác hại của tình hình này vào GDP với những con số như nhiều chuyên gia nhận định là từ 20 đến 30%, song thất thoát và lãng phí là điều nghiêm trọng và xảy ra ở khắp nơi.
Những sự kiện gần đây minh chứng cho điều đó:
Công trình đường vành đai 1 (Hà Nội) liên tiếp lập kỷ lục “tuyến đường đắt nhất Việt Nam” khi chi phí lên tới 2,5 tỉ đồng/m. Đoạn đường dài 697m rộng 50m, có tổng mức đầu tư 1.767 tỉ đồng và được dự kiến xây dựng trong 3 năm (2015-2018).
Mới đây, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo sẽ chấm dứt dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi vì chủ đầu tư là Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh không thể duy trì dự án sau 6 năm bỏ hoang. Như vậy,hơn 750 tỉ đồng các ngân hàng Nhà nước bỏ ra cho dự án này có nguy cơ mất trắng khi toàn bộ thiết bị máy móc mang về từ gần 10 năm nay đã hư hỏng và mất trộm. Hiện các hạng mục đầu tư trị giá gần 1.000 tỉ giờ chỉ là đống sắt vụn.
Việc các dự án đầu tư công khắp cả nước bị đội giá so với dự toán đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, thất thoát ngân sách, gây ảnh hưởng mức huy động nguồn lực của Nhà nước. Những thực trạng như thị trấn đìu hiu sau khi hoàn thành, chợ xây xong không ai họp hay những công trình hoành tráng như đại lộ Mai Chí Thọ vừa xây xong đã lún,... là những thực tế nhức nhối.
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngoài nguyên nhân thất thoát trong thi công, thủ phạm chính là do chủ trương đầu tư sai ngay từ đầu.
Theo ông Vinh: "Lãng phí và thoát nhất chính là chủ trương đầu tư, trong khi thi công thất thoát 3- 5% chỉ là đồng tiền cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã từng bức xúc khi đặt câu hỏi: Đường núi mà lại làm rộng 60-70 mét, ai quyết định đầu tư?.
Hoặc dự án khổng lồ mấy chục nghìn tỉ đồng quyết định một cái là xong mà không qua quy trình thẩm định, đến lúc không có tiền mà vẫn cứ phải lao theo. Những việc như vậy thực sự vô cùng lãng phí”. HIện có nhiều địa phương không cần biết mình có bao nhiêu tiền nhưng cứ ký đầu tư dự án tràn lan, không qua thẩm định nguồn vốn.
Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế Xã hội, một số dự án đầu tư công chậm tiến độ, chi phí phát sinh, khả năng phải tăng vốn ở mức cao. Không ít dự án được xây dựng hoàn thiện nhưng chưa thực sự khai thác có hiệu quả cũng gây ra lãng phí lớn.
Điển hình như việc xây dựng trụ sở làm việc; làm cầu mới thay cầu cũ ở quốc lộ 1 từ Trung Lương đi Mỹ Thuận, hay quốc lộ 91 Long Xuyên đi Châu Đốc, chiều dài cầu cũ dài 75-200m bắc qua sông, lại thay bằng cầu mới dài 500m; hoặc một số đường giao thông nội thị thuộc tỉnh với quy mô chưa đến 100.000 dân song xây dựng đường với 8 làn xe, 6 làn xe có dải phân cách cứng vườn hoa, cây xanh.
Ủy ban cho biết, hạn chế dễ thấy nhất là việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn còn tập trung vào một số ngành và lĩnh vực mà khu vực tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư.
Cơ quan Kiểm toán Nhà nước gần đây đã khái quát một số dạng sai phạm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư xây dựng như:
- Lãng phí, thất thoát trong khâu chủ trương đầu tư: Chủ trương đầu tư bị xác định sai, dẫn đến đầu tư không có hiệu quả, hay hiệu quả đầu tư kém.
- Thất thoát trong khâu khảo sát thiết kế: Chưa sát với thực tế, không đảm bảo chất lượng, không đủ mẫu, hoặc không đúng với những tiêu chuẩn quy chuẩn dẫn đến việc phải khảo sát lại hoặc phải bổ sung, thay đổi phương án thiết kế, thi công nhiều lần, dẫn tới làm thay đổi dự toán, tiến độ thi công chậm lại... gây lãng phí tiền của, thời gian mà không đảm bảo chất lượng của công trình.
- Thất thoát trong khâu đền bù và giải phóng mặt bằng xây dựng: Đền bù không thỏa đáng, đền bù không đúng đối tượng, bớt xén đền bù; chi trả tiền đền bù không theo định mức và khung giá Nhà nước cùng địa phương ban hành; diện tích và khối lượng tài sản được đền bù bị khai khống; làm giả hồ sơ đền bù… sẽ àm tăng thêm vốn đầu tư xây dựng công trình.
- Thất thoát trong công tác triển khai và điều hành kế hoạch đầu tư hằng năm: Tình trạng phân tán trong bố trí danh mục các dự án đầu tư, không sát với tiến độ thi công của dự án đã được phê duyệt.
- Thất thoát trong khâu lựa chọn nhà thầu: Sai lệch bản chất đấu thầu như không thực hiện đúng trình tự đấu thầu; công tác xét thầu cũng như đánh giá để xếp loại nhà thầu khi lựa chọn nhà thầu không chính xác, chưa chuẩn mực.
- Lãng phí trong khâu thi công xây lắp công trình: Xây dựng không đảm bảo khối lượng theo thiết kế được phê duyệt hoặc thi công không đúng thiết kế dẫn đến phải phá đi làm lại; dùng vật liệu không đảm bảo chất lượng; ăn bớt vật liệu; khai khống khối lượng; chất lượng công trình thi công không đảm bảo.
Như vậy, việc thất thoát lãng phí không chỉ do nguyên nhân khách quan như bởi cơ chế chính sách về quản lý đầu tư mà còn có nguyên nhân quan trọng, cốt yếu nhất là từ con người và bắt đầu từ người giữ vai trò giám sát trong bộ máy Nhà nước.
Theo kết quả nghiên cứu của Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng trước đây, lỗi sai phạm của chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án chiếm khoảng gần 60%; còn trách nhiệm của các nhà thầu xây lắp và cung cấp thiết bị, vật tư chiếm trên 30%; do các nhà quản lý tư vấn là hơn 10%.
Chính vì vậy, việc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức ó liên quan đến việc quản lý và thực hiện các giai đoạn của dự án đầu tư, nhất là trách nhiệm của cá nhân những người đứng đầu như chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp, giám sát,… là hết sức cần thiết để có thể đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, triệt để trong việc chống lãng phí và tham nhũng.
Chống lãng phí, thất thoát và tham nhũng trong đầu tư công không chỉ ở cơ quan Nhà nước mà còn là đòi hỏi của người dân, vì mọi sự lãng phí trong đầu tư xây dựng đều làm thiệt hại ngân sách, đặc biệt điều này sẽ dần bào mòn lòng tin của người dân.