Địa ốc quý III/2016: "Sốt nóng" các thương vụ M&A đình đám

  10/10/2016 - 07:59

Trong quý III vừa qua, hoạt động M&A bất động sản ghi nhận được 3 giao dịch đáng chú ý, theo Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL).

Đáng chú ý nhất là thương vụ CapitaLand (Việt Nam) Holdings chi gần 52 triệu USD để thâu tóm toàn bộ dự án "vàng" thuộc phường Cầu Kho, Q.1, Tp.HCM quy mô 0,5 ha. Theo đó, CapitaLand sẽ tiếp tục phát triển dự án để cung cấp ra thị trường căn hộ bán và căn hộ dịch vụ cho thuê.

JLL đánh giá, đây là lần đầu tiên một nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào để phát triển dự án tại Q.1, thú vị hơn là những phản ứng tiếp theo của thị trường sẽ thế nào khi tại khu vực này chào đón sự ra đời của một dự án sang trọng.

Trong khi đó, hai thương vụ còn lại là việc Mitsubishi góp vốn liên doanh phát triển Dự án The Manor Central Park của Bitexco tại Hà Nội và VinaCapital mua lại cao ốc văn phòng International Centre Building từ Keppel Land.

M&A bất động sản quý III/2016
Các thương vụ M&A bất động sản trong quý III/2016.

Bên cạnh đó, thị trường địa ốc Tp.HCM còn ghi nhận những thương vụ khác trong quý III như sự hình thành của Liên doanh Maeda (một công ty đến từ Nhật) và công ty Thiên Đức phát triển dự án Waterina tại Q.2. Hiện Maeda đang là đơn vị thi công đoạn đi ngầm tại khu vực Q.1, Tp.HCM của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Tại phân khúc nhà ở, Waterina là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên của tập đoàn Maeda tại thị trường Việt Nam.

Còn ở kênh đầu tư cổ phần tư nhân, Frasers Centrepoint Limited (quỹ đầu tư Singapore) đã mua 70% cổ phần trong dự án G Homes từ Tập đoàn An Dương Thảo Điền, trong khi Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) đã phối hợp cùng với Tập đoàn AON BNG chi 350 triệu USD thâu tóm tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower.

Gần đây nhất, Tập đoàn Vinci Constructioncủa Pháp đã có cuộc làm việc với UBND Tp.HCM và đã đề xuất với lãnh đạo TP về việc hợp tác đầu tư với Tập đoàn Berjaya của Malaysia để hồi sinh dự án Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại quận 10. Trước mắt, tập đoàn này sẽ tham gia thiết kế, xây dựng, hỗ trợ Berjaya tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Tọa lạc tại Q.10, dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam - Vietnam Financial Center cách chợ Bến Thành khoảng 3km qua trục đường Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai. Công trình có 3 mặt tiền đường gồm Ba Tháng Hai, Cao Thắng và Lê Hồng Phong. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 930 triệu USD, được cấp phép từ năm 2008.

Theo tiết lộ mới nhất từ tập đoàn Hòa Bình (HBC), mới đây, một doanh nghiệp địa ốc lớn của Nhật Bản đã đạt được thoả thuận hợp tác với Công ty Tiến Phát (HBC) để cùng đầu tư phát triển một dự án nhà ở cao cấp tại Q.7.

JLL cho rằng, tuy vẫn còn những hạn chế trong việc tìm kiếm những quỹ đất tốt trên thị trường nhưng thị trường M&A bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong 3 tháng cuối năm 2016 nhờ vào đà tăng trưởng tốt tại Việt Nam trong những quý gần đây và bối cảnh chững lại các hoạt động đầu tư của các nước trong khu vực.

Đồng quan điểm với JLL, ông Marc Townsend - Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhìn nhận, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị thị trường nhà đất Hà Nội, Tp.HCM và các tỉnh ven biển rất lớn. Đặc biệt, khẩu vị của các nhà đầu tư này là săn tìm cơ hội phát triển các dự án nhà ở có vị trí kết nối tốt với khu trung tâm TP hoặc những tài sản đã đi vào hoạt động, mang về dòng tiền ổn định.

(Theo Trí thức trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu