Đổ tiền càng nhiều vào BĐS, rủi ro càng lớn

  28/02/2015 - 01:49

Nhận định trên là của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa khi phân tích triển vọng của thị trường mua bán, sát nhập bất động sản (BĐS) năm 2015.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, thị trường BĐS rất dễ quay lại bong bóng nếu tín dụng tăng mạnh, khi nguồn tài chính tập trung vào BĐS thì khu vực này dễ bị tổn thương nhất.

Đầu cơ vào BĐS rất dễ gặp rủi ro

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu nhìn ở khía cạnh khách quan, BĐS trong thời gian tới có 4 yếu tố "tăng", đó là nhu cầu về nhà ở; mua bán, sáp nhập; đầu tư và tín dụng. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít rủi ro như yếu tố pháp lý, nợ xấu, tính dễ bị tổn thương của thị trường.

Đáng chú ý, hiện tượng đầu cơ và "thổi giá" bắt đầu quay trở lại, tập trung nhiều nhất ở phân khúc BĐS cao cấp. Thực tế, trên thị trường, giao dịch đã tăng nhưng giá vẫn đang bấp bênh. Đặc biệt, yếu tố "thổi giá" thường tỷ lệ thuận với số lượng giao dịch là điều đáng ngại nhất.

Nhiều chủ đầu tư BĐS mới đây đã ồ ạt tung ra các dòng sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp với giá "trên trời". Điều đáng chú ý là có những cái tên vốn chỉ triển khai các dự án BĐS bình dân cũng bắt đầu chuyển sang cao cấp. Hay có những cái tên chưa từng hiện diện trong giới BĐS trước đây.

doanh nghiệp bất động sản
Thị trường BĐS mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có tầm nhìn
(Ảnh: Ngôn Dân)

Những người tài chính dồi dào có quyền sở hữu BĐS giá cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, rủi ro luôn hiện hữu phía trước nếu mua những dự án BĐS cao cấp để đầu tư. Vì thế, bỏ vốn vào phân khúc này cần phải hết sức thận trọng.

Dân tự xây nhà doanh nghiệp sẽ thất thu

Đầu tư xây nhà ở phải theo nhu cầu thị trường ai cũng biết. Tuy nhiên, có khá nhiều dự án căn hộ tại khu vực trung tâm Tp.HCM dù đã hoàn thiện phần xây thô nhưng không thể khách thành và đưa vào sử dụng bởi hệ lụy của "cơn sốt" địa ốc trước đó.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, tại nhiều dự án của các doanh nghiệp BĐS, cơ cấu nhà ở đã dịch chuyển mạnh theo xu hướng cung cấp sản phẩm có nhu cầu sử dụng cao. Điển hình, nhiều dự án diện tích lớn đã chuyển dần thành nhỏ, trung bình.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã bàn về triển vọng của thị trường BĐS. Theo ông Nam, một số liệu rất đáng tin cậy, chính thống là kết quả điều tra dân số giữa kỳ 5 năm do Tổng Cục thống kê thực hiện tới tháng 4/2014 cho thấy, dân số trong 5 năm (từ năm 2010 - 2014) chỉ tăng chưa đến 1 triệu người. Tuy nhiên, bình quân mỗi năm cả nước xây dựng mới được 83 triệu m2 nhà ở. Trong khi đó, mười năm trước bình quân chúng ta chỉ xây được 70 triệu m2.

Đặc biệt, năm 2014, cả nước xây dựng đạt 97 triệu m2 nhà ở. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam dự báo, với điều kiện kinh tế phục hồi ổn định hoàn toàn, trong 5 năm tới, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trung bình mỗi năm xây dựng được 100 triệu m2 nhà ở.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS cần phải hết sức chú ý đến một yếu tố rất quan trọng. Cụ thể là khoảng một nửa diện tích nhà ở xây dựng mới kể trên được người dân nông thôn tự xây, còn lại một nửa được xây ở thành thị nhưng có đến 65-70% dân tự xây dựng, doanh nghiệp BĐS chỉ xây 30-35%.

Như vậy, mặc dù diện tích nhà ở tăng và nhu cầu ở tăng nhưng phần lớn diện tích nhà ở được xây dựng thời gian qua là do dân tự xây chứ không phải là doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, để diện tích nhà ở do các doanh nghiệp xây dựng tăng dần tỷ trọng thì bản thân mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược, đi đúng vào nhu cầu thật hơn, xây dựng đầu ra, phát triển bền vững hơn, không đi theo phong trào, cảm tính.

(Theo Bizlive)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu