Những dự án “cho không dám ở” vì thiếu hạ tầng, nằm giữa đồng không mông quạnh đang chiếm một lượng lớn trong hàng tồn kho bất động sản. Một số doanh nghiệp đang phải trả giá bởi chính sự thiếu tính toán của mình.
Vị trí dự án không thuận lợi là do lỗi của chủ đầu tư. Ảnh: Tâm An
|
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, có 2 vấn đề quan trọng trong bất động sản là tiền và vị trí. Nhưng do một số doanh nghiệp không có kiến thức lại đổ tiền đầu tư vào vùng sâu, vùng xa khi mà nguồn lực đầu tư hạ tầng nội bộ dự án kém, chính quyền cũng chưa đủ nguồn lực đầu tư ngoài dự án như kết cấu liên thông như trường học, bệnh viện, đường sá, các hạ tầng khác...
“Doanh nghiệp đã sai bản gốc khi chọn vị trí như vậy. Những dự án đó sẽ bị chết hoặc nằm rất lâu khi hạ tầng lan ra đó”, Thứ trưởng Nam đưa ra cảnh báo.
Cũng theo thứ trưởng Nam, thời gian này chỉ có những dự án tốt có hạ tầng mới bán được. Nếu doanh nghiệp xây dựng những dự án đặt chơ vơ giữa cánh đồng, hạ tầng giao thông kém, không có dịch vụ, trường học, khu thương mại... thì dự án dù đẹp đến đâu họ cũng sẽ phải trả giá vì không bán được.
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành cho biết, lỗi này thuộc về nhà đầu tư khi họ chưa làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện quy định của nhà nước và nhiệm vụ trong quy hoạch đã được giao.
Bởi vậy, theo ông Thành, phải thực hiện kiểm tra và quản lý chặt chẽ, đồng thời nhà đầu tư phải nâng cao trách nhiệm vì cấu thành sản phẩm nhà ở không thể bị tách rời với cơ sở hạ tầng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, Công ty CP Bất động sản Hanhud, một nguyên khác được chỉ ra là doanh nghiệp đã làm trước những phần dự án thu hồi vốn ngay được do doanh nghiệp muốn thu hồi vốn nhanh.
“Nhưng trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã gặp phải khó khăn nhất định dẫn đến sức ép nên bỏ hoặc chậm lại quá trình hoàn thiện hạ tầng, khiến cho chất lượng khu đô thị và dịch vụ cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng", ông Đính nhận định.
Ông Đính cho rằng, với những dự án như vậy, giải pháp đối với doanh nghiệp là phải nâng cao chất lượng, đồngthời hạ giá sản phẩm hoàn thiện hạ tầng để thu hút người có nhu cầu thực sự đến ở.
Ông Đính tin tưởng rằng đối với những chính sách mới của nhà nước, những hiện tượng như trên sẽ giảm đi và khó xảy ra do chế tài và quy định mới có những điểm mạnh hơn, bắt buộc chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ trách nhiệm.
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho biết, riêng đối với những dự án nằm giữa đồng không mông quạnh cũng như không có cơ sở hạ tầng, trước mắt hãy để đó. Chúng ta nên tập trung tìm cách giải tỏa hàng tồn ở các dự án có thể ở được ngay, do đã có đầy đủ cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh.
“Nhiều dự án của các chủ đầu tư khác ở các vị trí thuận lợi, có hạ tầng cơ sở tốt vẫn bán được với giá tốt. Vì vậy câu chuyện hiện nay không phải là thiếu “cầu” đối với khu vực giá trung bình và cao, mà là có đáp ứng đủ yêu cầu của người mua hay không", ông Võ nhấn mạnh.