Doanh thu khách sạn Việt Nam đạt hơn 500.000 tỷ đồng trong năm 2017

  11/07/2018 - 09:14

Theo kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp Việt Nam vừa được Grant Thornton Việt Nam công bố, ngành này đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tài chính 2017.

Cụ thể, ngành du lịch khách sạn Việt Nam đã đạt doanh thu 510.900 tỷ đồng trong năm tài chính 2017 (kết thúc vào tháng 3 hàng năm), tăng 27,78% theo năm. Đóng góp của ngành du lịch trực tiếp vào GDP trong năm 2017 là 9,3 tỷ USD, chiếm 4,6% tổng GDP. Năm 2018, con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 6,2% và tăng 6,1% hàng năm cho đến năm 2028, số liệu được Grant Thornton trích nguồn từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới.

Tổng lượng khách du lịch đến với Việt Nam trong năm ngoái là 86 triệu lượt, tăng 19% so với 72 triệu lượt trong năm 2016. Trong đó, khách quốc tế tăng 29%, lượng khách nội địa tăng 18%. Trong năm 2017, Việt Nam được đánh giá là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, là quốc gia có sự tăng trưởng nhanh nhất châu Á và nhanh thứ 6 toàn cầu, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới.

thị trường khách sạn
Ngành khách sạn Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: Vũ Lê

Thị trường chính của ngành công nghiệp du lịch Việt Nam vẫn là châu Á với việc chiếm tới 76% tổng lượng khách quốc tế. Trong đó, khách Trung Quốc dẫn đầu, chiếm tới 30,4%, tiếp đến là khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong suốt 3 năm qua, đây là 3 thị trường lớn nhất, chiếm đến hơn 50% lượng khách nước ngoài đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, khách đến từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia... cũng có sự tăng trưởng qua các năm.

Khách đến tăng kéo theo một lượng đầu tư lớn đang đổ vào ngành này. Cụ thể, có tất cả 79 khách sạn cao cấp mới, từ 3-5 sao được đưa vào vận hành trong năm 2017. Trong đó, khách sạn quy mô 5 sao là 10 với tổng số phòng được thêm mới là 101.400 phòng, tăng 10% so với năm 2016.

Trong năm 2017, giá phòng bình quân của khách sạn 4 sao đạt 75,2 USD/đêm, tăng 1% theo năm; giá phòng khách sạn 5 sao là 107,6 USD/đêm, tăng 4,2% theo năm. Đà tăng doanh thu trên số phòng sẵn có của các khách sạn vẫn tiếp tục được duy trì với tỷ lệ là 7,6% đối với hạng 4 và là 10,2% cho hạng 5 sao. Cùng với đó, công suất phòng cũng được cải thiện với mức tăng trưởng đạt 4,8% và 5% cho lần lượt các hạng 4 và 5 sao. Trong đó, sự tăng trưởng mạnh nhất thuộc về khu vực Trung bộ với mức tăng là 7,5%, tiếp đến là khu vực phía Bắc với mức 6,4%, phía Nam đứng ở vị trí thứ 3 với tỷ lệ 2,2%.

Một điểm đáng chú ý trên thị trường khách sạn Việt Nam trong năm 2017 là, số lượng khách sạn 4 và 5 sao áp dụng công nghệ số có sự gia tăng lớn. Có tới gần 90% khách sạn nhận định thị trường khách sạn Việt Nam thay đổi phần lớn là do việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn. Thực tế này cho thấy, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều khách sạn nữa tiếp nhận công nghệ này.

Mục tiêu của du lịch Việt Nam là sẽ thu hút được 15-17 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2018. Và mục tiêu này là hoàn toàn khả thi khi có tới khoảng 6,7 triệu lượt khách đến với nước ta trong 5 tháng đầu năm, tăng 26,7% theo năm.

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu