Về cơ bản, sau nhiều năm “thúc” tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất, hiện TP Hà Nội đã hoàn thành khâu khó nhất là việc bố trí, quy hoạch quỹ đất dịch vụ.
Được biết, diện tích đất dịch vụ còn thiếu là 1,45 ha trên tổng số nhu cầu là 795 ha. Song diện tích đất dịch vụ đã tổ chức giao cho người dân mới đạt gần 162 ha với 23.413 hộ (trên 30%), tuy nhiên trên toàn địa bàn có 77.081 hộ thuộc tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, cần phải giải quyết dứt điểm việc tồn tại tới hơn 221 ha đất dịch vụ đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, đã đủ điều kiện bàn giao sử dụng nhưng các huyện, quận chưa giao cho các cá nhân, hộ gia đình.
Những diện tích đất này tập trung chủ yếu tại quận Hà Đông (trên 104 ha), Hoài Đức (70 ha), Thạch Thất (xấp xỉ 20 ha) và huyện Mê Linh (7,5 ha).
Tiến độ triển khai giao đất dịch vụ cho dân tại Hà Nội vẫn còn chậm.
Theo lý giải của lãnh đạo quận Hà Đông, hiện một số hộ dân chưa nộp tiền suất đầu tư hạ tầng; tồn tại một số hộ có đơn thư không thống nhất ghép đối tượng lập hồ sơ và một số hộ đã được ấn định ghép lô song chưa làm hồ sơ để được xét duyệt và diện tích được hưởng giao đất dịch vụ.
Bên cạnh đó, một số khu đất dịch vụ mặc dù đã đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch khu đất dịch vụ nhưng không có lối đi bởi dự án giao thông liền kề chưa thực hiện.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá kết quả triển khai công tác giao đất dịch vụ của các địa phương, mặc dù tiến độ thực hiện vẫn còn chậm và diện tích đất giao cho nhân dân không nhiều, tuy nhiên đây là tiền đề để TP đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ này trong giai đoạn tiếp tới.
Trong năm 2015, Hà Nội hiện đã bố trí cho Quỹ phát triển đất thành phố 500 tỷ đồng, những huyện, quận khó khăn về vốn để GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật có thể vay nguồn vốn hỗ trợ này.
Lãnh đạo TP yêu cầu đối với phần diện tích đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì các địa phương khẩn trương quyết toán cũng như xác định nghĩa vụ tài chính và đẩy nhanh việc giao đất cho dân trong năm 2015.
Theo đó, đối với các khu đất dịch vụ tại xã An Khánh và Di Trạch đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, TP đề nghị UBND huyện Hoài Đức tổ chức bốc thăm vị trí, tiến hành giao đất dịch vụ ngay cho các hộ đã được xét duyệt không chờ hoàn thành 100% công tác xét duyệt các hộ mới tiến hành giao đất làm ảnh hưởng chung đến tiến độ giao đất giao đất trên địa bàn.
Còn với diện tích125,37 ha đất đã hoàn thành công tác GPMB nhưng chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, TP đề nghị UBND cấp huyện thực hiện theo tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 1405/UBND-TNMT ngày 04/3/2014 của UBND TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của người dân cùng ứng kinh phí với ngân sách (mức tạm thu) để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất dịch vụ cho các hộ dân; đồng thời lập hồ sơ vay vốn từ Quỹ phát triển đất TP (thời gian hoàn thành trước 30/11/2015).
Trong khi đó, với diện tích 107,05 ha đất đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa bố trí kinh phí GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, UBND huyện phải chủ động liên hệ với Quỹ phát triển đất TP, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ vay vốn và triển khai GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hình thức cuốn chiếu, tổ chức thực hiện dứt điểm đối với từng dự án cụ thể.
Những huyện, quận còn thiếu quỹ đất dịch vụ cần rà soát quỹ đất đấu giá, quỹ đất thương phẩm, quỹ đất tái định cư còn lại; những dự án sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai và các khu đất nhỏ lẻ xen kẹt trong khu dân cư phù hợp quy hoạch đề xuất địa điểm để ưu tiên bố trí cho nhu cầu đất dịch vụ.
Ông Vũ Hồng Khanh cho hay, nếu những dự án mà thời điểm quyết định thu hồi đất thuộc đối tượng phải giao đất dịch vụ cho người dân, song đến nay dự án vẫn chưa triển khai thực hiện GPMB, chưa phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, TP xem xét loại bỏ khỏi danh mục các dự án được giao đất dịch vụ.
Cùng với đó, khi chủ đầu tư thực hiện GPMB thì UBND cấp huyện phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường theo chính sách quy định tại Luật Đất đai 2013.