Hàng tồn kho bất động sản tại phân khúc cao cấp và trung bình sẽ được giải quyết

  04/12/2014 - 07:59

Luật Nhà ở sửa đổ và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điều khoản có tác động lớn đến thị trường. Phóng viên đã có cuộc trao đổi ThS. Trần Ngọc Quang - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về một số nội dung mới của hai Luật này, cũng như chia sẻ của ông về thái độ, nhận thức và kỳ vọng của các doanh nghiệp hội viên đầu tư kinh doanh bất động sản trước những thời cơ và thách thức mới do Luật tạo ra.

Ông Trần Ngọc Quang - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Ông Trần Ngọc Quang - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

- Sau khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nội dung đáng chú ý là mở cửa cho đối tượng người nước ngoài được mua nhà. Theo ông, thị trường bất động sản sẽ bị tác động như thế nào trước thông tin này?

Nội dung đáng chú ý của 2 bộ luật trên sau khi được là mở rộng quy định cho phép các cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Theo tôi đây là chủ trương đúng đắn, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cũng như nhu cầu thực sự của thị trường, và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Với nội dung mới này của Luật, chắc chắn sẽ có thêm các cơ hội để thị trường bất động sản phát triển. Đó là sự bổ sung thêm vào thị trường một lượng khách hàng và nhà đầu tư không chỉ thực sự có tiềm năng, kinh nghiệm mà còn rất chuyên nghiệp. Đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam để có thể phát hiện, nắm bắt cơ hội, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từ đó ngày một phát triển một cách chuyên nghiệp và bền vững.

- Theo ông, chính sách mới sẽ giúp tháo gỡ, giải quyết được số hàng tồn ở phân khúc nào?

Theo quy định mới của Luật, với sự tham gia sâu rộng của các cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, một phần hàng hóa tồn kho phân khúc trung bình và cao cấp sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, Luật chỉ cho phép được làm các điều đó, còn làm được hay không lại phụ thuộc vào bản thân các doanh nghiệp bất động sản trong nước cũng hệ thống các cơ chế chính sách, các quy định cụ thể có liên quan kèm theo. Ví dụ như: cơ chế tín dụng, các kênh tài chính cung cấp cho thị trường có được mở rộng hơn không; trình tự giải quyết các thủ tục của các cơ quan Nhà nước có được cải thiện hay không; bản thân các doanh nghiệp có thay đổi cách làm để chất lượng hơn, minh bạch hơn và đồng bộ hơn hay không. Việc giải quyết hàng tồn kho đã có những tiến bộ nhất định trong thời gian qua và chứng minh rằng chắc chắn phải có các giải pháp đồng bộ, chứ không thể trông chờ sẽ đạt được mục tiêu này dựa vào việc đưa ra một vài quy định.

- Với tư cách Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông có nắm bắt được các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia Hiệp hội đón nhận thông tin này như thế nào?

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp đều thực sự phấn khởi đón nhận các thông tin này vì họ không chỉ nhìn ra các cơ hội mới, mà còn nhận thấy sự quyết tâm của Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của thị trường bất động sản.

- Trong thời gian sắp tới, ông đánh giá thế nào về niềm tin vào thị trường bất động sản?

Một tồn tại của thị trường bất động sản trong thời gian qua đó là sự giảm sút niềm tin của các khách hàng với các doanh nghiệp bất động sản; niềm tin giữa các doanh nghiệp bất động sản với nhau; cũng như giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại…

Trong thời gian qua, đã có sự gắn kết các nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề khó khăn của thị trường. Kết quả mang lại là niềm tin đang dần được khôi phục trên thị trường. Biểu hiện của nó chính là các giao dịch bất động sản đã được tăng lên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục triển khai các dự án dở dang…

Tuy nhiên, để niềm tin được phục hồi cần phải có thời gian và sự nỗ lực dài hạn của tất cả các thành tố trong thị trường BĐS. Nhà nước cần nỗ lực hơn trong việc cải thiện các thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng, sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật của đội ngũ cán bộ công chức tại các cơ quan liên quan đến thị trường bất động sản. 

Các doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Gần đây một số dự án bắt đầu tăng giá, bán chênh lệch… là biểu hiện của việc không có chiến lược giá dài hạn. Những doanh nghiệp này đang chạy theo các mục tiêu ngắn hạn mang tính thời vụ thay vì chạy theo lợi nhuận bền vững lại và điều này sẽ làm lộ trình hồi phục niềm tin trên thị trường bị ngăn cản. 

(Theo Báo Xây dựng Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu