Vừa qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho phép tách thửa dự án tỷ đô Hồ Tràm Strip ra làm 6. Vụ việc đó đã vấp phải sự phản ứng của người đứng đầu Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh.
Khu du lịch nghỉ dưỡng giải trí phức hợp Hồ Tràm rộng hơn 160ha tại huyện Xuyên Mộc hơn 4 tỷ USD, tuy chưa hoàn tất các hạng mục đầu tư, song đã được tách thửa ra làm 6. Mục đích của việc tách thửa đó theo nhà đầu tư đến từ Canada, là nhằm “phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể được duyệt”.
Năm 2006, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã duyệt quy hoạch chi tiết dự án 1/2.000 với 6 phân khu chức năng.
Theo Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Lê Anh Tú: “Tại vì trong Luật đất đai chưa có quy định điều kiện tách, hay là cho phép hay không cho phép. Mình phải hiểu rằng không quy định có nghĩa như vậy, nên để an tâm giám đốc đã có văn bản xin ý kiến”.
Vị Giám đốc được nhắc tới là bà Lê Thị Công, khi còn đương chức, vì phát hiện việc tách thửa dự án tỉ đô không theo bất cứ một quy định nào nên đã xin ý kiến cấp trên.
|
Dự án tỷ đô Hồ Tràm Strip |
Nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Lê Thị Công, cho hay, đối chiếu vào Luật Đất đai 2013, Nghị định 43 của Chính phủ, và Quyết định 59 mà tỉnh ban hành, thì không có qui định tách đất sản xuất kinh doanh. Trong khi nếu tách thì sẽ phá vỡ toàn bộ quy hoạch. Mà nếu chúng ta tách ra thì nó sẽ là tiền lệ cho những dự án ven biển khác họ tách, họ chuyển nhượng. Và ngày 10/5/2016 Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, cùng với đoàn xuống làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường thì trong buổi làm việc Tổng cục trưởng cũng không đồng ý tách đất sản xuất kinh doanh cho dự án Hồ Tràm.
Đến nay, bà Công cũng không lý giải nổi tại sao Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai không đồng ý, mà Phó Tổng cục trưởng lại ký văn bản đồng ý cho tách thửa dự án theo Khoản 1, Điều 98 Luật Đất đai năm 2013. Tìm hiểu kỹ hơn, bà Công đã phát hiện, trong Khoản 1, Điều 98 không nói đến việc tách thửa đất sản xuất kinh doanh.
Theo luật sư, đây là đất thuê của Nhà nước trong 50 năm để sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chỉ có quyền góp vốn, liên doanh, thế chấp quyền sử dụng đất, không được quyền chuyển nhượng.